Cùng dự, về phía Việt Nam có Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong.
Tham gia phiên họp trực tuyến còn có: nghị sĩ một số nước thành viên AIPA như Brunei, Indonesia, CHDCND Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan…; Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân; đại diện ICCF cùng một số diễn giả khu vực và quốc tế.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh cho biết, đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng đến dân số của hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ; tác động sâu sắc tới toàn bộ các cộng đồng, xã hội và nền kinh tế. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định, nguồn gốc lây truyền của dịch bệnh này xuất phát từ động vật hoang dã và được truyền sang người. Cho đến nay con người chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng về nguồn gốc lây nhiễm của đại dịch Covid-19 cũng như mối liên hệ của đại dịch với động vật hoang dã. Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh đề nghị, tại phiên họp trực tuyến này, các nghị sĩ AIPA cùng các diễn giả khu vực và quốc tế sẽ thảo luận nhằm làm sáng tỏ vấn đề, nâng cao nhận thức về vấn nạn buôn bán động vật hoang dã, mối liên hệ với đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác do động vật truyền sang người.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh, đại dịch Covid-19 đã gióng lên hồi chuông thức tỉnh đối với các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu nhằm xem xét lại cách tiếp cận toàn cầu để bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên cũng như sức khỏe của hàng tỷ người. Sự lây truyền của các dịch bệnh có nguồn gốc lây nhiễm từ động vật hoang dã có thể gây ra hậu quả tiêu cực sâu rộng. Ngoài ảnh hưởng tới sức khỏe nhân loại, các tác động lớn khác của đại dịch Covid-19 đã dẫn tới sự suy giảm kinh tế toàn cầu, đe dọa an ninh khu vực và quốc tế.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, sau đại dịch, nhiều biện pháp được đưa ra nhằm kiểm soát và giảm thiểu các tác động sâu rộng của đại dịch, ngăn chặn các đợt bùng phát dịch bệnh tái diễn trong tương lai. Trong đó, chống buôn bán động vật hoang dã là giải pháp quan trọng cần được quan tâm nhằm ngăn chặn các dịch bệnh tương lai.
Tại phiên họp trực tuyến, các đại biểu nhất trí cho rằng, nạn buôn bán động vật hoang dã không chỉ ảnh hưởng lớn tới tài nguyên thiên nhiên, quần thể của các loài động vật bản địa được bảo vệ mà còn góp phần lây lan mầm bệnh nguy hiểm đe dọa sức khỏe cộng đồng, sản xuất nông nghiệp và đa dạng sinh học. Các nước thành viên ASEAN vốn là những quốc gia có vấn nạn về buôn bán động vật hoang dã. Trong chuỗi buôn bán động vật hoang dã, khu vực này chủ yếu được nhắm đến như những quốc gia quá cảnh hoặc đích đến. Các đại biểu nhấn mạnh, chấm dứt buôn bán động vật hoang dã, giảm tiêu thụ động vật hoang dã là những biện pháp cấp bách mà các quốc gia trong khu vực cần phải hành động ngay, nhằm giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh lây truyền từ động vật hoang dã sang con người. Điều này có thể đạt được thông qua hoàn thiện hành lang pháp lý và tăng cường thực thi pháp luật, tăng ngân sách cho các nỗ lực chống buôn bán động vật hoang dã và các biện pháp bảo tồn, phục hồi và phát triển hệ sinh thái rừng. Các quốc gia cần tích cực hơn nữa trong việc phối hợp chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm buôn bán động vật hoang dã trái phép; hài hoà hóa pháp luật về môi trường và bảo vệ thiên nhiên hoang dã.