Chưa đồng bộ, thống nhất ở các cấp công đoàn
Phó Chủ tịch Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam Phạm Quang Hưởng nhấn mạnh: Xây dựng “Đề án chuyển đổi số của Tổng Liên đoàn giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” và ban hành “Chương trình chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động công đoàn” - 2 chuyên đề triển khai các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2023 - 2028 trong Văn kiện Đại hội đã thể hiện quyết tâm của các cấp công đoàn đối với Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Đây là một trong những giải pháp tối ưu, không những chăm lo mà còn đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của ĐV, NLĐ.
Tuy nhiên, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động công đoàn thời gian qua ở các cấp còn một số tồn tại, hạn chế. Đơn cử như: chưa xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, am hiểu về công nghệ thông tin trong các tổ chức công đoàn làm hạt nhân thực hiện chuyển đổi số. Công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn, đào tạo về chuyển đổi số cho cán bộ chưa thường xuyên, liên tục. Chưa xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung đủ lớn phục vụ chuyển đổi số. Hệ thống tổng hợp số liệu cơ bản vẫn làm thủ công, khó kiểm soát. Việc xây dựng và sử dụng phần mềm quản lý vẫn chưa đồng bộ, thống nhất. Chưa sử dụng các công cụ như: App Công đoàn, sử dụng trí tuệ nhân tạo AI, trợ lý ảo, phần mềm đào tạo trực tuyến… hỗ trợ các hoạt động công đoàn. Triển khai hệ thống văn bản điện tử, họp trực tuyến mới đang ở cấp Tổng Liên đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh, thành; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, chưa triển khai đến các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và Công đoàn cơ sở.
Phát triển nền tảng dùng chung
Để thực hiện thành công "Đề án chuyển đổi số của Tổng Liên đoàn giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030", Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam đề xuất công tác tuyên truyền, quán triệt để có nhận thức đúng đắn về chuyển đổi số phải được quan tâm hàng đầu. Cần nhìn nhận đúng về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số trong hoạt động của tổ chức Công đoàn, từ lãnh đạo cấp trên đến lãnh đạo cấp dưới, từ lãnh đạo đến ĐV, từ những cá nhân nòng cốt đến cộng đồng, từ những mô hình thành công, điển hình đến những cá nhân, đơn vị còn chần chừ, ngại thay đổi.
Đặc biệt, phát triển một nền tảng dùng chung cho tất cả các cấp công đoàn, bởi hiện nay các Công đoàn ngành, Liên đoàn lao động tỉnh, thành đang sử dụng nhiều phần mềm khác nhau, không đồng bộ nên khó khăn trong quản lý và khai thác. Khi sử dụng một nền tảng chung sẽ giúp tiết kiệm chi phí, thời gian đồng thời cũng là công cụ để công đoàn các cấp lắng nghe, tiếp thu, giải quyết những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động. Xây dựng cơ sở dữ liệu đoàn viên công đoàn tập trung và xuyên suốt, có sự phân cấp, phân quyền rõ ràng đối với từng cấp công đoàn. Sử dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo hỗ trợ ĐV và cán bộ công đoàn trong các vấn đề tranh chấp cần trợ giúp pháp lý. Bên cạnh đó, cần xây dựng một nền tảng đào tạo trực tuyến, biến nền tảng này thành một mạng xã hội học tập, để ĐV, NLĐ giao lưu, trao đổi, học hỏi nhau, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng.