Nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm về công tác pháp chế được thực hiện hiệu quả
Tại Hội nghị “Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022: Nâng cao chất lượng công tác tổ chức truyền thông tiếp thị chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định, hơn 10 năm qua, Bộ đã thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm về công tác pháp chế, nhất là nhiệm vụ rà soát, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Đến nay, các lĩnh vực quản lý của Bộ đều có luật điều chỉnh với 9 luật; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ chủ trì soạn thảo 435 văn bản, tạo hành lang pháp lý, cơ chế chính sách quan trọng, đã và đang phát huy hiệu quả trên thực tiễn, nhất là trong tái cơ cấu nông nghiệp. Điều này góp phần tăng sản lượng và chất lượng nông sản, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư cho phát triển ngành, khẳng định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế.
Để không ngừng làm sâu sắc thêm ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam, đưa cuộc sống vào chính sách pháp luật và đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống, trong thời gian tới, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành sẽ tập trung thực hiện kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật, cũng như tổ chức thi hành pháp luật, đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; truyền thông, phổ biến nội dung chính sách, quy định mới cũng như những tác động và hiệu ứng của chính sách, pháp luật đến hoạt động sản xuất kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ: Trong quá trình xây dựng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cần tuân thủ đúng quy định, quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm thực hiện đúng tiến độ, chương trình được đề ra; bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, đồng thời tham vấn ý kiến, nhất là ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và các đối tượng chịu tác động. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan khác; tăng cường sự phản biện xã hội, tăng cường truyền thông để kịp thời thông tin chính sách, nhằm nâng cao chất lượng của các văn bản cũng như sự đồng thuận của xã hội trong xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật.
Truyền thông chính sách đưa pháp luật vào cuộc sống
Tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, Ngày Pháp luật Việt Nam năm nay được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung vào hoạt động phổ biến, giới thiệu về nâng cao chất lượng công tác tổ chức truyền thông tiếp thị chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đây là nội dung gắn bó chặt chẽ và góp phần thiết thực nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật về nông nghiệp nói riêng. Đồng thời, các hoạt động này đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, nâng cao nhận thức hiểu biết và thực thi pháp luật, ý thức tôn trọng, chấp hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành.

Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, chia sẻ thông tin truyền thông chính sách khác so với cách chia sẻ thông tin trong các hoạt động khác vì đây là hoạt động xuyên suốt và gắn kết mật thiết với quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Để nâng cao chất lượng công tác này, ngay từ năm 2022, Vụ Pháp chế đã chủ động tổ chức, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện truyền thông tiếp thị các dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm, có ý kiến khác nhau trong quá trình lập đề nghị, xây dựng, thông qua, ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật do đơn vị mình chủ trì soạn thảo.
Bên cạnh đó, Vụ Pháp chế phối hợp với các đơn vị xây dựng nội dung truyền thông, tiếp thị dự thảo chính sách trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm đầy đủ, ngắn gọn, dễ hiểu, hình thức phong phú, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn về các nội dung mới hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ so với quy định hiện hành về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; chú trọng các vấn đề khó, có nhiều ý kiến khác nhau… Từ đó, tổ chức triển khai truyền thông tiếp thị về dự thảo chính sách với các hình thức linh hoạt, phù hợp thực tiễn.