Tham dự Hội thảo có nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn; đại diện lãnh đạo Cục Báo chí; đại diện Vụ Thông tin, Vụ Truyền thông, bộ phận truyền thông của các bộ, ngành; lãnh đạo, phóng viên của nhiều cơ quan báo chí.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm đến công tác truyền thông chính sách, yêu cầu hoạt động của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan nhà nước đều phải công khai, minh bạch, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, hướng đến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Do đó, năm 2007, Thủ tướng Chính phủ Khóa XI đã ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, sau đó tiếp tục ban hành thêm hai quy chế phát ngôn vào năm 2013, năm 2017. Các quy chế này đã tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan báo chí, nhà báo tổ chức thực hiện cung cấp thông tin, đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần định hướng thông tin cho xã hội. Việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các bộ, ngành, địa phương đã đi vào nề nếp, có định hướng rõ ràng và đạt hiệu quả cao hơn. Các cơ quan báo chí và nhà báo có điều kiện tiếp nhận thông tin chính thống, kịp thời cung cấp thông tin chính xác đến người dân.
Tuy nhiên, qua theo dõi việc triển khai các quy chế phát ngôn, Bộ Thông tin và Thông tin nhận thấy: Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí chỉ quy định trách nhiệm ban hành quy chế của bộ ngành, địa phương của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thuộc Chính phủ, của UBND cấp tỉnh, nên phạm vi điều chỉnh trong quy chế phát ngôn chưa thống nhất, thực hiện chưa đồng đều. Điều này cũng khiến cơ quan báo chí, nhà báo có những khó khăn nhất định trong việc tiếp cận thông tin chính thống. Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí năm 2013 chưa quy định cụ thể việc phát ngôn, cung cấp thông tin với sự cố mang tính quốc gia, liên quan đến an ninh, quốc phòng, sức khỏe cộng đồng, hoặc sự cố liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương.
Thừa nhận những hạn chế nêu trên, song nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định 09/2017 của Chính phủ quy định cơ chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, cộng với Luật Tiếp cận thông tin (sẽ có hiệu lực từ tháng 7.2018) cơ bản khắc phục được những hạn chế nêu trên trong thực hiện phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí. Dù vậy, một số ý kiến lưu ý, trong thời gian qua vẫn có một số chính sách mới được ban hành đã gặp sự phản ứng mạnh mẽ của đối tượng chịu sự điều chỉnh và người dân, buộc phải tạm dừng thi hành. Thực tế này cộng với sự phát triển của mạng xã hội hiện nay đòi hỏi công tác truyền thông chính sách phải được tiếp tục nâng cao, thực hiện chuyên nghiệp hơn. Các cơ quan hành chính phải quan tâm thực hiện truyền thông trong tất cả các khâu trong quy trình xây dựng, thực thi chính sách qua đó, giúp người dân hiểu, tạo sự đồng thuận trong quá trình thực thi. Ngoài ra, đại diện các cơ quan báo chí, đơn vị truyền thông của một số bộ ngành cũng chia sẻ kinh nghiệm xử lý khủng hoảng truyền thông, nêu ra những vướng mắc trong thực hiện Quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí hiện hành.