Hội thảo có sự tham gia của Giáo sư sử học Lê Văn Lan; Trung tướng, nhà văn Hữu Ước; nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học, PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn và nhiều nhà nghiên cứu, dịch giả…
Phát biểu tại hội thảo, nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn, chủ biên cuốn sách “Thuật bút Xuân Cầu” chia sẻ: Xuất phát từ tình yêu quê hương đất nước, Xuân Cầu là ngôi làng rất cần được nghiên cứu trong lịch sử. Văn hóa làng từ xưa đến nay chính là tế bào của xã hội, rất quan trọng, góp phần chấn hưng và phát triển văn hóa của Việt Nam. Dự án sách là tâm huyết của các tác giả mong muốn ghi nhận sự phát triển văn hóa làng quê truyền thống của đất nước, mà bước đầu là làng Xuân Cầu, một trong những địa danh văn hóa lịch sử của tỉnh Hưng Yên.
Cuốn sách chia làm 3 phần, giới thiệu về làng Xuân Cầu từ thuở khai thiên lập địa đến ngày nay, gắn với làng là những di tích văn hóa, lịch sử, những người con ưu tú đã góp phần làm nên đất nước. Hồn cốt của cuốn sách tập trung nêu bật tiến trình văn hóa lịch sử diễn ra như thế nào ở một vùng đất với những đình, chùa, miếu, danh nhân, danh tướng trong thời đại Hồ Chí Minh.
Ngay khi cầm trên tay, bản thảo của 2 cuốn sách (mỗi cuốn hơn 500 trang), các đại biểu đã chia sẻ đóng góp cho Hội đồng biên soạn. Theo đó, cả 2 cuốn sách cần được sắp xếp lại bố cục, với hàm lượng thông tin, kiến thức rất nhiều nhưng chưa ăn khớp với nhau. Trong khi đó sự sắp xếp chưa làm nổi bật được đâu là linh hồn là phần chủ đạo của cuốn sách.
Theo Giáo sư Sử học Lê Văn Lan, dự án sách "Thuật bút Xuân Cầu" còn thiếu một phần hết sức quan trọng chưa nhắc tới đó là lịch sử thú vị của ngôi làng. Một ngôi làng được người Trung Hoa từ thời nhà Đường đưa dân sang để nhằm ý đồ đồng hóa người Việt nhưng cuối cùng chính họ lại bị người dân Việt đồng hóa lại. Bên cạnh đó, cũng cần lý giải cụ thể hơn về tên gọi của làng, với những lần đổi tên và ý nghĩa để từ đó thấy được tầm vóc của ngôi làng là như thế nào.
Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận, góp ý kỹ lưỡng về tên gọi của sách, cách thức trình bày, thông tin truyền đạt... Đặc biệt, các đại biểu đều nhấn mạnh đến ý nghĩa lịch sử của làng Xuân Cầu chưa được nêu bật.
Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước chia sẻ: Phần đầu của cuốn sách phải nêu bật được đặc điểm làng Xuân Cầu với những danh nhân hào kiệt. Đây được coi là phần “hạt nổ” của cuốn sách, từ đó mới đi sang các lĩnh vực khác.
Còn Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thể thao và Du lịch Đinh Xuân Phong đề nghị nên bố cục theo từng chương hoặc từng tập trong đó nên đi theo tuyến thời gian từ xưa đến nay, từ quá khứ đến hiện tại, từ đó mới thấy được văn hóa làng xã như thế nào, cũng như sự đặc biệt của làng Xuân Cầu.
Đối với dự án sách “Con đường tương lai”, Nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn chủ biên cuốn sách cho biết cuốn sách chắt lọc tất cả kiến thức của nhân loại ở các lĩnh vực chính trị - kinh tế - văn hóa- xã hội, từ đó đưa ra những dự báo, định hướng, giải pháp, phát triển bền vững và lâu dài không chỉ cho mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp, mà còn là sự phát triển trường tồn của dân tộc, của đất nước. Đồng thời cuốn sách cũng làm nổi bật thêm giá trị tôn giáo, tín ngưỡng, qua đó bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng, di sản văn hóa dân tộc gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể.
Với tinh thần cầu thị của chủ biên và Hội đồng biên soạn đã tiếp thu toàn bộ đóng góp của các đại biểu để bổ sung, hoàn thiện không chỉ đúng về lịch sử, hàm lượng kiến thức cao mà còn mang lại những giá trị tinh thần to lớn cho độc giả.