Chủ động, tích cực thực hiện các Nghị quyết của Đại hội đồng AIPA - 44
Trước đó, ngày 11.6, tại Phiên thảo luận thứ Nhất, Hội nghị đã nghe đại diện các Đoàn đại biểu Nghị viện thành viên AIPA trình bày Báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện các Nghị quyết được thông qua tại Đại hội đồng AIPA - 44.
Báo cáo về việc thực hiện các Nghị quyết được thông qua tại Đại hội đồng AIPA - 44 của Việt Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung - Trưởng đoàn Việt Nam, cho biết các cơ quan của Quốc hội đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan của Chính phủ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, ban hành nhiều luật và Nghị quyết của Quốc hội cũng như các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; xây dựng chương trình, kế hoạch, hợp tác với ASEAN và các đối tác trên các lĩnh vực.
Về triển khai Nghị quyết về các vấn đề chính trị, trong đó có Nghị quyết “Duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực thông qua đối thoại và hợp tác”, Quốc hội Việt Nam đã chủ động, tích cực trong quan hệ với nghị viện các nước; tham gia tích cực các hoạt động, cơ chế đối thoại liên nghị viện khu vực và quốc tế; nâng cao vai trò của Quốc hội Việt Nam cũng như của ASEAN/AIPA trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế; hợp tác với các nước trong khu vực và các đối tác ngoài khu vực vì sự ổn định, phát triển bền vững của ASEAN.
Về phía Chính phủ đã tích cực thúc đẩy các cơ chế, hợp tác chính trị - an ninh ASEAN, góp phần khẳng định vai trò trung tâm, đóng góp quan trọng của ASEAN đối với hòa bình, an ninh, ổn định khu vực trước các chuyển động phức tạp của tình hình khu vực và quốc tế.
Về triển khai Nghị quyết “Mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan”, Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực cùng ASEAN xây dựng khuôn khổ, ban hành và thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này, đặc biệt là thông qua Kế hoạch công tác triển khai Kế hoạch hành động ASEAN về phòng, chống sự gia tăng cực đoan hóa và cực đoan bạo lực 2019 - 2025 (Kế hoạch hành động Bali); các cơ chế của ASEAN và do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia (SOMTC), Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia (AMMTC). Phòng, chống bạo lực cực đoan cũng là một trong 4 lĩnh vực ưu tiên của Kế hoạch công tác Nhóm giữa kỳ về Chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia (ISM-CTTC) trong khuôn khổ ARF.
Tháng 11.2023, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; góp phần tăng cường công tác quốc phòng, an ninh; kết hợp quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự với phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm việc triển khai, sử dụng lực lượng có tác động tích cực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự.
Triển khai các Nghị quyết về các vấn đề kinh tế, Quốc hội Việt Nam đã lồng ghép nội dung trong các hoạt động của mình, trong đó nhấn mạnh việc ban hành Nghị quyết số 103/2023/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với mục tiêu tổng quát bao hàm gần như đầy đủ các nội dung trong 5 Nghị quyết về các vấn đề kinh tế của AIPA; thông qua Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông, đáp ứng kịp thời yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện các cam kết quốc tế, thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số…; thông qua Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó có các quy định tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ ban hành quy định về áp dụng Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; thông qua Luật Đất đai nhằm quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả nguồn lực đất đai; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Trong thời gian tới, Quốc hội Việt Nam sẽ xem xét, sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ, qua đó tạo cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ phục vụ tăng trưởng và phát triển bền vững.
Quốc hội Việt Nam cũng rất tích cực trong triển khai thực hiện Nghị quyết về các vấn đề xã hội: Nghị quyết về xây dựng hành động của Nghị viện về thúc đẩy việc làm xanh và kỹ năng hỗ trợ chuyển giao kinh tế xanh; tăng cường khả năng phục hồi ASEAN thông qua sự lãnh đạo của phụ nữ và trách nhiệm giới của Nghị viện; Chuyển đổi số do phụ nữ dẫn dắt và vì phụ nữ.
Báo cáo về tình hình thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị Nghị sĩ trẻ AIPA (YPA), trong đó có việc tăng cường “sự tham gia của giới trẻ vì sự phát triển toàn diện, chuyển đổi kinh tế và tham gia dân chủ” và ”vai trò của nghị sĩ trẻ trong quản trị”, Trưởng đoàn Việt Nam cảm ơn các đại biểu Nghị viện thành viên AIPA đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, truyền nhiều cảm hứng mạnh mẽ, góp phần làm nên thành công rực rỡ của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức vào tháng 9.2023.
Nhân dịp này, Nghị viện thành viên AIPA cũng chúc mừng Quốc hội Việt Nam vừa bầu Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn giữ chức Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam.
Các đại biểu đánh giá cao kinh nghiệm của Việt Nam và các quốc gia trong khu vực trong thực hiện các Nghị quyết được thông qua tại Đại hội đồng AIPA - 44; nhấn mạnh vai trò của các Nghị viện thành viên và từng nghị sĩ trong việc giám sát, thúc đẩy việc thực hiện các Nghị quyết. Cũng tại phiên họp, các đại biểu đã xem xét báo cáo của Ban Thư ký AIPA về các hoạt động của Ban Thư ký năm 2023 và cập nhật hoạt động của AIPA và Ban Thư ký AIPA trong 6 tháng đầu năm 2024.
Thông qua nhiều luật hướng tới tương lai nền kinh tế số an toàn và sôi động
Tại Phiên thảo luận thứ hai, các đại biểu đã tập trung vào chủ đề thảo luận “Tăng cường khả năng phục hồi của ASEAN thông qua hợp tác nghị viện: Hướng tới tương lai nền kinh tế số an toàn và sôi động”.
Phát biểu tại Phiên thảo luận, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Kinh tế ASEAN Satvinder Singh nêu bật các vấn đề và thách thức chính liên quan đến an ninh mạng trong nền kinh tế số ASEAN; chia sẻ các sáng kiến của ASEAN nhằm xây dựng khả năng phục hồi không gian mạng, như việc thành lập Nhóm ứng phó khẩn cấp máy tính khu vực ASEAN (ASEAN CERT), Dự án Lá chắn Mạng ASEAN-ROK và Trung tâm Thông tin và An ninh mạng ADMM (ACICE); đưa ra một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy cách tiếp cận khu vực gắn kết trong hợp tác an ninh mạng.
Giám đốc Điều hành Chính sách và Vận hành của Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), Tiến sĩ Aladdin Dolorito Rillo nhấn mạnh tầm quan trọng của kiến thức và xây dựng năng lực để giải quyết những vấn đề phức tạp trong bối cảnh hiện nay; khẳng định vai trò quan trọng của các nghị sĩ trong việc định hình các chính sách an ninh mạng, bảo đảm tuân thủ và giảm thiểu rủi ro; giới thiệu sáng kiến E-DISC nhằm thúc đẩy đổi mới kỹ thuật số và tăng trưởng kinh tế bền vững ở ASEAN bằng cách tận dụng công nghệ kỹ thuật số để giải quyết các vấn đề về thương mại số, quản trị dữ liệu và an ninh mạng...
Trình bày báo cáo quốc gia liên quan đến chủ đề của Hội nghị, Trưởng đoàn Việt Nam cho biết trong thời gian qua, để hướng tới tương lai nền kinh tế số an toàn và sôi động, Quốc hội Việt Nam đã xem xét, thông qua một số luật quan trọng như: Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi)… Định hướng của Chính phủ và Quốc hội Việt Nam trong khóa XV là đẩy nhanh xây dựng khung chính sách, pháp luật phát triển hạ tầng số, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tiến tới chuyển đổi số quốc gia; hoàn thiện khung pháp lý cho sự vận hành của nền công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ số; sớm hoàn thành việc xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu quan trọng và nền tảng kết nối, chia sẻ quốc gia; hệ thống xác thực và định danh điện tử.
Vấn đề tăng cường khả năng phục hồi cũng như hướng đến phát triển nền kinh tế số an toàn và sôi động cũng được lồng ghép thảo luận, đưa vào các nghị quyết về kinh tế - xã hội, nghị quyết chất vấn và lồng ghép trong các hoạt động giám sát khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Để nâng cao vai trò hợp tác của nghị viện trong việc tăng cường khả năng phục hồi, hướng tới tương lai nền kinh tế số an toàn và sôi động, Đoàn Việt Nam đưa ra một số kiến nghị, trong đó nhấn mạnh việc phát triển kinh tế số phải gắn với chuyển đổi số bao trùm và bền vững; tập trung tăng cường trao đổi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái số; xây dựng khung pháp lý an toàn; cải thiện môi trường pháp lý liên quan đến hoạt động đổi mới sáng tạo và ứng dụng, chuyển giao công nghệ…
Cũng tại Phiên thảo luận thứ hai, AIPA và ERIA đã ký Biên bản ghi nhớ nhằm tăng cường năng lực của AIPA về các vấn đề liên quan đến Cộng đồng kinh tế và hội nhập kinh tế ASEAN.
Tại Phiên thảo luận thứ ba, do Thành viên Hội đồng Lập pháp của Brunei Darussalam Pehin Dato Haji Adanan Yusof chủ trì, các nghị viện thành viên AIPA đã thảo luận về Báo cáo của Ban Thư ký AIPA và Báo cáo kết quả Hội nghị AIPA Caucus 15.
Các Nghị viện thành viên AIPA dự phiên bế mạc đã ký Báo cáo của Hội nghị Nhóm tư vấn AIPA lần thứ 15 và bàn giao nước đăng cai tổ chức Hội nghị AIPA Caucus lần thứ 16 cho Quốc hội Campuchia trên cơ sở cơ chế luân phiên của AIPA.