Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát bước đầu về “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.
Nhiều nội dung hướng dẫn chưa rõ, khó thực hiện
Trình bày Báo cáo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm – Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội nêu rõ, Đoàn giám sát nhận thấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương sớm triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt chủ chương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia. Mặc dù khối lượng văn bản về quản lý, hướng dẫn thực hiện cả 3 Chương trình mà Trung ương phải ban hành là rất lớn (trên 70 văn bản), nhưng đến nay Chính phủ và các bộ, ngành đã cơ bản hoàn thành, làm căn cứ để địa phương cụ thể hóa và triển khai thực hiện.
Về công tác lập kế hoạch và phân bổ vốn thực hiện các Chương trình đến nay đã được Chính phủ giao về các địa phương theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, trên cơ sở đó, các địa phương trình HĐND phân bổ theo quy định.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh, việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần nâng cao nhận thức, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo ở vùng nông thôn, miền núi khó khăn và đặc biệt khó khăn…
Bên cạnh kết quả đạt được, Báo cáo cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia như: dù Ban Chỉ đạo Trung ương và cấp tỉnh đã được kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện và phân công cán bộ xã phụ trách các Chương trình, nhưng việc thành lập bộ phận giúp việc chưa có sự thống nhất giữa các địa phương, dẫn đến thiếu thống nhất trong chỉ đạo, điều hành. Cán bộ theo dõi từ huyện đến xã thường xuyên thay đổi nên công tác tham mưu, giúp việc trong chỉ đạo điều hành thiếu tính liên tục, kịp thời. Năng lực một số cán bộ theo dõi các Chương trình mục tiêu quốc gia còn nhiều hạn chế so với yêu cầu nhất là ở các tỉnh, huyện, xã nghèo miền núi, biên giới đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Chương trình. Cán bộ giúp việc Ban Quản lý cấp xã để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia chủ yếu làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, nên công tác tổng hơp báo cáo số liệu đôi khi chưa đầy đủ. Còn có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh.
Đáng lưu ý, theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, mặc dù công tác ban hành các văn bản quản lý đến nay cơ bản đã hoàn thành, nhưng qua giám sát nhiều địa phương phản ánh số lượng văn bản quá nhiều, trên 300 văn bản của cả Trung ương và địa phương. Trong khi đó, nhiều nội dung hướng dẫn chưa rõ ràng, khó thực hiện, có những nội dung dù đã được sửa đổi, bổ sung nhưng địa phương vẫn không triển khai được, thậm chí có nội dung sau khi được sửa đổi, bổ sung thì quy định còn chặt chẽ, khó thực hiện hơn.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng cho biết thêm, hiện tại đã đến giữa kỳ thực hiện, nhưng vẫn còn một số nội dung chính sách, tiêu chí chưa được các bộ, ngành hướng dẫn.
Tại sao phải ban hành trên 300 văn bản hướng dẫn?
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Đoàn giám sát đã rất nỗ lực, công tâm và trách nhiệm, hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát bước đầu về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia với 105 trang cùng phụ lục. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, chuyên đề giám sát này phải trả lời cho được câu hỏi vì sao việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Vì sao vướng mắc? Điểm nghẽn ở đâu? Và tháo gỡ như thế nào?
Dẫn con số hơn 300 văn bản hướng dẫn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia ở cả Trung ương và địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Đoàn giám sát của Quốc hội cần làm rõ, tại sao phải ban hành nhiều văn bản đến như thế, nhất là khi trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia thì chỉ có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chương trình mới, hai Chương trình còn lại là tiếp tục thực hiện.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị, Đoàn giám sát cần quán triệt chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, qua giám sát cần làm rõ có tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, để chậm công việc, cản trở việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết công việc của dân, doanh nghiệp hay không? “Không chỉ với chuyên đề giám sát 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, các chuyên đề giám sát khác cũng cần lưu ý vấn đề này”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Đoàn giám sát tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời nhấn mạnh yêu cầu, sau giám sát tối cao của Quốc hội phải tạo được sự chuyển biến căn bản trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.