Luật hóa, nâng cao giá trị pháp lý của căn cước điện tử là phù hợp
Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, về tên gọi, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật, qua ý kiến của các đại biểu Quốc hội và quá trình nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, còn có hai loại ý kiến khác nhau về tên gọi của dự thảo Luật.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch là một bộ phận không nhỏ, không tách rời của dân tộc ta và cần được Nhà nước, xã hội thừa nhận. Trong số này có những người có trình độ cao, muốn cống hiến cho đất nước nhưng vướng về giấy tờ tùy thân, số còn lại phần lớn là những người yếu thế, dễ bị tổn thương, qua nhiều thế hệ không được cấp giấy tờ tùy thân và gặp khó khăn trong việc thực hiện các quyền cơ bản.
Thực tiễn hiện nay, các cơ quan quản lý không có giấy tờ, dữ liệu quản lý đối tượng này nên gặp khó khăn trong quản lý, nhất là trong vấn đề bảo đảm an ninh, trật tự và dễ bị một số tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng vấn đề về nhân quyền để gây rối, gây mất trật tự an toàn xã hội, chống phá chính quyền.
Vì vậy, dự thảo Luật Căn cước bổ sung điều chỉnh đối với đối tượng người gốc Việt Nam và quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho họ là cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và không trái với quy định của pháp luật hiện hành. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, tên gọi căn cước công dân không phù hợp với những người đang chấp hành hình phạt tù, bởi họ đã bị tước một số quyền công dân trong thời gian chấp hành án và bị hạn chế một số quyền trong giao dịch hành chính, dân sự… Theo đó, việc đổi tên luật thành Luật Căn cước là cần thiết và phù hợp với việc bổ sung đối tượng áp dụng của Luật.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, quy định việc quản lý và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam như Chính phủ trình là cần thiết, tuy nhiên đối tượng này chiếm tỷ lệ rất nhỏ (khoảng hơn 31.000 người), không phải là đối tượng áp dụng chủ yếu trong Luật; việc sử dụng tên gọi căn cước công dân vẫn phù hợp đối với người đang chấp hành hình phạt tù vì họ vẫn là công dân và chỉ bị hạn chế một số quyền công dân, nên việc đổi tên luật thành Luật Căn cước là chưa phù hợp.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Ban soạn thảo nhất trí với loại ý kiến thứ nhất và thấy rằng, việc đổi tên Luật thành Luật Căn cước sẽ bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật.
Về sự cần thiết quy định về căn cước điện tử, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử thì việc bổ sung chính sách điều chỉnh đối với căn cước điện tử, danh tính điện tử, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong hệ thống định danh điện tử và xác thực điện tử là cần thiết. Việc luật hóa để nâng cao giá trị pháp lý của căn cước điện tử là phù hợp với yêu cầu thực tiễn và có tính khả thi; là "chìa khóa" để thực hiện Chính phủ điện tử.
Làm rõ ưu điểm, nhược điểm của hai phương án
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý; đồng thời, tán thành việc dự thảo Luật bổ sung điều chỉnh đối với đối tượng người gốc Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho rằng, việc bổ sung đối tượng người gốc Việt Nam giúp bảo đảm việc thực hiện quyền con người của người Việt Nam, đặc biệt là bảo đảm các quyền liên quan đến các giao dịch dân sự, hành chính, bảo vệ tài sản. Theo báo cáo của Chính phủ và giải trình của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đây là vấn đề có tính chất lịch sử, tồn tại đã lâu và có nhiều nguyên nhân nên một bộ phận không nhỏ, không tách rời của đồng bào ta cần được Nhà nước, xã hội thừa nhận, trong đó có nhiều đối tượng đặc thù, dễ bị tổn thương trong xã hội cần được quan tâm bảo vệ như người dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em… Việc bổ sung người gốc Việt Nam vào đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật còn góp phần bảo đảm an ninh - trật tự xã hội, tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước.
Cũng đồng tình với việc bổ sung người gốc Việt Nam vào đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho rằng, quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho đối tượng này là cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và không trái với quy định của pháp luật hiện hành.
Về tên gọi của dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng, hai loại ý kiến về tên gọi dự án Luật đều có lý do hợp lý, thuyết phục. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần thiết kế các quy định về người gốc Việt Nam trong dự thảo Luật này bảo đảm đáp ứng các mục tiêu đặt ra; hài hòa với tên gọi của luật. Vấn đề này cần tiếp tục đưa ra xin ý kiến các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội nghị sắp tới.
Không tán thành với việc đổi tên luật thành Luật Căn cước, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, nên nghiên cứu xử lý về mặt kỹ thuật theo hướng dự thảo Luật vẫn quy định việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam nhưng không làm thay đổi phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, vẫn nên giữ tên thẻ căn cước công dân thay vì đổi tên thành thẻ căn cước, nhằm bảo đảm tính ổn định.
Do vấn đề tên gọi của dự án Luật còn hai loại ý kiến khác nhau, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Công an cần làm rõ ưu điểm, nhược điểm của hai phương án thay đổi hoặc không thay đổi tên gọi của dự án Luật.
Về việc bổ sung người gốc Việt Nam vào đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, dự thảo Luật cần làm rõ khái niệm người gốc Việt Nam do hiện chưa có khái niệm, định nghĩa nào về người gốc Việt Nam. Nếu giữ nguyên tên gọi của luật là luật Căn cước công dân thì trong điều khoản về tổ chức thực hiện nên có điều khoản quy định về việc cấp giấy tờ tùy thân đối với đối tượng này.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương yêu cầu các cơ quan tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đối tượng áp dụng chính sách; đồng thời nhấn mạnh, quá trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật cần bảo đảm chất lượng, có tính thuyết phục cao.
Về tên gọi của dự án Luật và tên gọi thẻ căn cước công dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo phân tích ưu điểm và hạn chế của từng phương án giữa tên luật hoặc đổi tên luật để xin ý kiến đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sau đó xin ý kiến của các cấp có thẩm quyền. Khi nội dung này tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao sẽ chọn một phương án; trong trường hợp qua các lần tham vấn, xin ý kiến mà vẫn còn ý kiến khác nhau thì sẽ trình Quốc hội xem xét cả 2 phương án.