Cùng đi có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Đỗ Quang Thành; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi…
Báo cáo với Đoàn khảo sát, đại diện Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, Học viện được thành lập theo Quyết định số 146/CP ngày 8.8.1966 của Hội đồng Chính phủ với tên gọi ban đầu là “Phân hiệu II Đại học Bách khoa”. Học viện được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển, sản xuất chế thử, chuyển giao công nghệ tiên tiến và hội nhập quốc tế, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển ngành khoa học công nghệ quân sự Việt Nam. Học viện hiện đang triển khai đào tạo 50 chuyên ngành hệ kỹ sư quân sự thuộc 15 mã ngành đào tạo khác nhau.
Thời gian qua, Học viện đã triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách đối với các cơ sở công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, từ đó, mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy, trong dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp chưa có quy định về quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp quốc phòng, đặc biệt là vai trò của các nhà trường trong nhiệm vụ đào tạo cán bộ kỹ thuật cho Quân đội nói chung và hoạt động công nghiệp quốc phòng nói riêng. Do đó, cần bổ sung quy định về vai trò của các cơ sở đào tạo lực lượng cán bộ, nhân viên kỹ thuật cho công nghiệp quốc phòng cũng như cơ chế, chính sách đặc thù cho các cơ sở giáo dục trong Quân đội thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của công nghiệp quốc phòng.
Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách đặc thù về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt có chức năng đào tạo, nghiên cứu khoa học và sản xuất chế thử nhằm gắn kết đào tạo với nghiên cứu, sản xuất, tiến tới nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực chuyên môn của người học, sẵn sàng đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ sau khi tốt nghiệp.
Đánh giá cao kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp của Học viện Kỹ thuật quân sự, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của Học viện; cho biết Ủy ban sẽ tổng hợp đầy đủ, toàn diện các ý kiến, kiến nghị trong quá trình thẩm tra dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, với quan điểm các quy định phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ với hệ thống pháp luật.