Hàng trăm ngàn m3 đá là tài sản thuộc quyền quản lý nhà nước nhưng một số doanh nghiệp đã tự ý vận chuyển, mua bán trái phép khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn về công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn Quảng Ngãi đang diễn ra như thế nào?
Đá ở Quảng Ngãi, chở ra Quảng Nam tập kết
Theo hồ sơ mà Báo Đại biểu Nhân dân có được, vào khoảng đầu tháng 4, Công an Quảng Nam phối hợp với Đoàn Kinh tế Quốc phòng Tam Quang, Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Kỳ Hà tiến hành kiểm tra việc Công ty TNHH Lý Tuấn (có trụ sở đóng tại Quảng Ngãi) tập kết khoáng sản (đá) tại cảng Kỳ Hà (xã Tam Quang, Núi Thành, Quảng Nam).
Qua kiểm tra phát hiện, doanh nghiệp này đang tập kết khoảng hơn 189.000m3 đá sau nổ mìn tại kho bãi. Trong đó, có hơn 167.000m3 đá không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc.
Qua làm việc, Công ty TNHH Lý Tuấn trình bày khối lượng đất đá không có hóa đơn chứng từ nói trên là đá dư thừa trong quá trình Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất thi công dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 (Khu kinh tế Dung Quất, xã Bình Đông, Bình Sơn, Quảng Ngãi).
Theo đó, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đã ký kết hợp đồng nguyên tắc với Công ty Lý Tuấn về việc vận chuyển vật liệu xây dựng dư thừa (đá) trong Khu liên hợp ra ngoài dự án.
Hai bên thống nhất tập kết tại bãi chứa Phi Long (nằm trong Khu du lịch Thiên Đàng, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi). Từ tháng 3 năm 2023 đến nay, Công ty Lý Tuấn đã vận chuyển hơn 167.000m3 đá từ Khu du lịch Thiên Đàng đến tập kết tại cảng Kỳ Hà, mục đích để bán lại cho khách hàng tại Đà Nẵng.
Theo xác minh của Công an tỉnh Quảng Nam, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp 3 giấy phép khai thác đá trong quá trình thi công thực hiện dự án Khu liên hợp. Trữ lượng khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường phê duyệt đưa vào thiết kế khai thác là hơn 2,6 triệu m3.
Quá trình thi công, Công ty đã hợp đồng với Công ty Lý Tuấn và các đơn vị vận chuyển hơn 363.000m3 đá về tập kết tại Khu du lịch Thiên Đàng. UBND tỉnh Quảng Ngãi chưa cho phép tổ chức, cá nhân nào được phép vận chuyển, kinh doanh mua bán sử dụng khối lượng đá này.
Khối lượng khoáng sản này được xác định là tài sản thuộc quyền quản lý nhà nước và Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất chịu trách nhiệm giám sát; Các tổ chức, cá nhân chỉ được vận chuyển, kinh doanh, mua bán, sử dụng sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính có liên quan theo quy định.
Chuyển cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi xử lý
Cung cấp thông tin cho Công an tỉnh Quảng Nam, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết, đối với 167.000 m3 đá (hiện đang tập kết tại cảng Kỳ Hà) là do doanh nghiệp này thiếu quản lý, giám sát nên để Công ty Lý Tuấn đã tự ý vận chuyển đến đây nhằm mục đích bán lại cho khách hàng.
Ngày 1.4, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đã có văn bản gửi Công ty Lý Tuấn yêu cầu không tự ý chế biến, sử dụng nguồn đá dư thừa vào mục đích cá nhân, thương mại khác.
Công an Quảng Nam cho rằng, do nguồn gốc khoáng sản được khai thác trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, hai đơn vị liên quan trong vụ việc này cũng có đăng ký và hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nên công tác quản lý, xử lý khối lượng khoáng sản dư thừa của dự án xây dựng Khu liên hợp sản xuất gang théo Hòa Phát Dung Quất 2 thuộc thẩm quyền UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Công an Quảng Nam đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận hồ sơ vụ việc có liên quan đến việc tập kết khoáng sản không đúng quy định trên địa bàn tỉnh Quảng Nam để tiếp tục có biện pháp xử lý đối với số khoáng sản nói trên theo đúng thẩm quyền.
(Còn nữa)