Cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4
Trả lời chất vấn của các ĐBQH Dương Minh Ánh (Hà Nội), Tạ Văn Hạ (Quảng Nam), Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên)… về giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong lĩnh vực thương mại điện tử, các thủ tục hành chính đã thực hiện cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, các quy trình, thủ tục đã được tự động hóa, cắt giảm tối đa để giảm thời gian xử lý.
Riêng năm 2023, Bộ đã xử lý hơn 10 nghìn hồ sơ trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, trong thực tế có một số ít trường hợp, thủ tục cần nhiều thời gian xử lý liên quan đến hồ sơ của 2 nhóm (doanh nghiệp thuộc diện chi phối thị trường và kinh doanh hàng hóa có điều kiện phải lấy ý kiến của các bộ ngành) nên có hiện tượng chậm trễ giải quyết các thủ tục cho khách hàng.
“Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch công; tăng cường giám sát, thống kê giải quyết thủ tục hành chính để bảo đảm chất lượng, thời gian giải quyết; hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung…”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Thực tế hoạt động xuất khẩu đã đạt được những kết quả khá ấn tượng, thể hiện ở việc xuất siêu liên tục trong những năm gần đây. Tuy nhiên hàng hóa của Việt Nam vẫn phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước, đồng thời trước tình hình diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới gây bất lợi cho vận tải hàng hóa quốc tế. Bên cạnh đó, dịch vụ logistics và năng lực vận tải trong nước còn hạn chế, vẫn phải phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài, nên cước vận tải tăng cao, làm giá hàng hóa tăng theo, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Từ thực tế trên, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắc Nông) đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu bền vững?
Nhận thức vai trò của logistics trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, thời gian qua, Bộ đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển dịch vụ logistic, giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh và đã đạt được một số kết quả nhất định.
Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, hoạt động này còn một số hạn chế khi nhận thức về vai trò, vị trí của logistic còn khác nhau dẫn đến triển khai không đồng bộ; một số quy định còn chồng chéo, chưa phù hợp; hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư xứng đáng…
Để phát triển dịch vụ logistic trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, sẽ tiếp tục trình Chính phủ về chiến lược phát triển logistic trong giai đoạn tới. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối trong nước và quốc tế. Phát triển dịch vụ gắn liền với phát huy tối đa lợi thế, điều kiện tự nhiên của từng vùng. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và hội nhập quốc tế. Xây dựng đội ngũ nhân lực đủ sức đáp ứng yêu cầu của ngành này trong tương lai…
Đồng thời, phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp logistic để xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh logistic cấp tỉnh; chủ động đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực này; thường xuyên cập nhật tình hình xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa để đưa cảnh báo kịp thời; đẩy mạnh công tác xúc tiến, mở rộng thị trường…
Thúc đẩy doanh nghiệp FDI kết nối chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị cho doanh nghiệp nội địa
Để khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA), Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, về lâu dài sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để doanh nghiệp hiểu đúng các quy định của hiệp định mà Việt Nam là thành viên. Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi quy định pháp luật liên quan để phù hợp với diễn biến thực tiễn, kinh nghiệm của thế giới.
Thời gian tới, để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất tạo nguồn hàng chất lượng cao, ổn định, Bộ Công Thương sẽ thúc đẩy doanh nghiệp FDI, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn kết nối chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị cho doanh nghiệp nội địa để phát triển ngành này.
Cùng với đó là đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác hiệu quả các hiệp định FTA. Đẩy mạnh phát triển xuất khẩu điện tử. Tiếp tục đàm phán, ký kết các nền kinh tế mới để khai mở thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Hỗ trợ thông tin để giúp doanh nghiệp ứng phó, khắc phục thiệt hại trong các vụ kiện về phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Ở khía cạnh khác, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước để cân bằng tỷ trọng xuất khẩu, trong khi hiện nay phần lớn tỷ trọng xuất khẩu thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)?
Thừa nhận các doanh nghiệp FDI đang chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của nước ta (khoảng 73%), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, tình trạng này có nguyên nhân do doanh nghiệp FDI có lợi thế về vốn, công nghệ, thương hiệu và mạng lưới phân phối từ nhiều năm trước, trong khi doanh nghiệp nội địa nguồn lực hạn chế, đang từng bước xâm nhập vào thị trường.
Mặt khác, các doanh nghiệp FDI sản xuất và xuất khẩu sản phẩm công nghiệp công nghệ cao nên giá trị luôn vượt trội so với hàng nông sản của doanh nghiệp nước ta. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp FDI xuất khẩu phù hợp với chủ trương lúc đầu của chúng ta, vì chỉ có thu hút doanh nghiệp FDI thì chúng ta mới có điều kiện hội nhập, chuyển giao công nghệ, học tập kinh nghiệm quản trị, tiếp cận thị trường…
“Mục tiêu hội nhập của nước ta không chỉ đo đếm bằng các FTA, các dự án của nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, kim ngạch xuất khẩu hàng năm… Thước đo ở đây bằng "sức khỏe" của nền kinh tế trong nước, sự hội nhập của chính doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu”.
Nhấn mạnh mục tiêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp nội địa đã vươn lên hội nhập khá tốt nhờ sự hội nhập, liên kết với các doanh nghiệp FDI.
Trong năm 2023, việc giảm tỷ trọng trong kim ngạch xuất khẩu ở khu vực doanh nghiệp nội địa đã thấp hơn so với doanh nghiệp FDI. Trong 5 tháng đầu năm 2024, tốc độ xuất khẩu, giá trị xuất khẩu tuyệt đối của doanh nghiệp trong nước tăng 24%, trong khi doanh nghiệp FDI chỉ tăng 12%.
"Điều này cho thấy, doanh nghiệp trong nước đang từng bước vươn lên, khai thác hiệu quả hơn các hiệp định FTA mà nước ta đã tham gia…", Bộ trưởng nhận định.