Tham dự có: Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải; Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Nguyễn Ngọc Hà; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương, tổ chức chính trị - xã hội; các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học; đại diện một số doanh nghiệp và tổ chức quốc tế.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải nêu rõ, Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong những nội dung quan trọng để triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, nội dung chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội bao gồm 5 quan điểm phát triển, 8 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và 2 ưu tiên thực hiện (vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường và cải tạo, chỉnh sang, tái thiết đô thị…). Các nội dung phương án quy hoạch Thủ đô tập trung xoay quanh 5 trụ cột phát triển: văn hoá, con người và di sản nghìn năm văn hiến; phát triển kinh tế xanh, kinh tế số; hạ tầng kết nối đồng bộ, hiện đại; xã hội số, đô thị thông minh; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng Quy hoạch Thủ đô, đồng thời tiếp tục gợi mở, đề xuất các ý tưởng, giải pháp xây dựng Quy hoạch, nhất là các nội dung đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm và việc khai thác, huy động nguồn lực để thực hiện Quy hoạch một cách hiệu quả, bền vững.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ thêm các vấn đề về lý luận và thực tiễn trong xây dựng Quy hoạch Thủ đô. Đồng thời, góp ý, đề xuất ý tưởng xây dựng thể chế phát triển Thủ đô theo hướng thành phố thông minh và bản sắc, tầm nhìn đến năm 2050; cơ chế, chính sách vượt trội, đặc thù bảo đảm lợi thế so sánh và ưu thế cạnh tranh cho phát triển Thủ đô; cách tiếp cận đa chiều đối với lập Quy hoạch Thủ đô; phát huy vai trò của các nguồn vốn tài chính, đất đai trong xây dựng và phát triển Thủ đô...
Hiện nay, Hà Nội đang triển khai đồng thời lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đặc biệt, Quốc hội đang thảo luận về việc sửa đổi Luật Thủ đô. Các đại biểu cho rằng, đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với công tác quy hoạch cho phát triển Thủ đô.
Một số ý kiến cho rằng, cần quy hoạch thành phố Hà Nội theo hướng là thành phố di sản, có văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, mang bản sắc Thủ đô ngàn năm văn hiến; là thành phố sáng tạo, công nghiệp văn hoá phát triển, thành phố thông minh; là điểm đến của du lịch văn hoá, ẩm thực và trung tâm dịch vụ chất lượng cao; thành phố của các sự kiện văn hoá mang tầm quốc tế thường niên.
Bên cạnh đó, rà soát cụ thể hơn về định hướng phát triển đô thị, phát triển nông thôn, trên cơ sở kế thừa mô hình cấu trúc toàn đô thị như quy hoạch chung năm 2011. Cần thể hiện và xác định rõ các khu chức năng chính (trụ sở cơ quan, phát triển nhà ở (nhà ở xã hội), giáo dục và đào tạo, y tế, thể dục thể thao, dịch vụ thương mại, công nghiệp - du lịch, hạ tầng kỹ thuật...); chú trọng đổi mới xây dựng nông thôn mới theo xu hướng nông thôn đô thị đặc biệt. Công tác thẩm định quy hoạch để trình duyệt cũng cần được tổ chức linh hoạt, đa dạng.
Ghi nhận các ý kiến sâu sắc, tâm huyết của các đại biểu, phát biểu kết luận hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định, Nghị quyết số 15-NQ/TW được Bộ Chính trị xây dựng và ban hành với tư duy rất mới; có sự đánh giá, nhìn nhận và giao nhiệm vụ cho thành phố Hà Nội cũng rất khác so với trước. Để chuẩn bị cho bản Quy hoạch Thủ đô lần này, thành phố Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo và tiến hành nhiều hội thảo, tham vấn ý kiến chuyên gia ở các góc độ khác nhau.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, sẽ nghiên cứu, tiếp thu toàn bộ ý kiến cũng như các tham luận được gửi đến hội thảo; mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục đóng góp ý kiến xây dựng Quy hoạch Thủ đô để có được một bản quy hoạch xứng tầm, cập nhật xu thế phát triển của thời đại và bảo đảm tính khả thi.