Cụ thể hóa trình tự, thủ tục, trách nhiệm di dời người dân ra khỏi chung cư
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư (Chương V), một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm di dời người dân ra khỏi chung cư; nghiên cứu cải tiến trình tự, thủ tục đầu tư đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để tránh trùng lặp, rút ngắn thời gian, tăng cường thu hút đầu tư.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã bổ sung 1 mục (Mục 4, Chương V) gồm các Điều 71, 72 và 73 quy định cụ thể về việc di dời chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư; cưỡng chế di dời và phá dỡ nhà chung cư và tại các điều khoản cụ thể khác của Chương V về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Về đề nghị nghiên cứu cải tiến trình tự, thủ tục đầu tư đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp thu ý kiến và thể hiện nội dung này tại Điều 63 của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về đề nghị cần dự liệu phương án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư khả thi hơn trong giai đoạn nhiều năm tới đã chỉnh lý các Điều 68, 69 và 70 của dự thảo Luật theo hướng đối với các chung cư cũ (xây dựng trước năm 1994) thì tiếp tục kế thừa quy định của pháp luật nhà ở hiện hành về việc áp dụng hệ số K bồi thường căn hộ. Đối với các chung cư mới xây dựng sau năm 1994 mà sau này thuộc diện được xây dựng lại do vẫn phù hợp với quy hoạch thì các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm đóng góp kinh phí xây dựng lại nhà chung cư, nếu không đóng góp kinh phí xây dựng lại thì được bồi thường quyền sử dụng đất, giá trị nhà ở còn lại (nếu có) theo quy định của Chính phủ.
Cần tạo điều kiện cho việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư
Đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung được tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Nhìn tổng thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là mọi người dân đều phải có chỗ ở hợp pháp; Hiến pháp năm 2013 cũng quy định vấn đề này, còn sở hữu nhà ở lại là câu chuyện khác. Như vậy, trong dự luật phải làm rõ mấy cấp độ: một là, phải có nhà ở, tức là lý tưởng nhất là mỗi người, mỗi hộ gia đình đều sở hữu một căn nhà; hai là, có nhà để ở, tức là có thể đi thuê nhà, thuê căn hộ.
Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, phải chăng Điều 4 dự thảo Luật về chính sách phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở phải đưa vào quan điểm, chính sách của Đảng ta về chiến lược phát triển nhà ở? Khi dự luật được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã đề cập vấn đề này. Chúng ta mơ ước và mong muốn mỗi gia đình, hộ gia đình đều có thể sở hữu nhà ở nhưng đây là mức lý tưởng, phải phấn đấu. Từ đó, theo Chủ tịch Quốc hội, phải thấy rằng, sau này chính sách nhà ở xã hội không có nghĩa là cứ phải hướng đến xây nhà để bán mà có cả xây nhà cho thuê, cho thuê mua - là những phương thức rất phổ biến kể cả với nhà ở xã hội và nhà ở thương mại.
“Tôi đọc trong Điều 4 này thì chưa thấy có tuyên ngôn nào về chính sách này. Các đồng chí nghiên cứu, kể cả cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo, cần căn cứ vào văn kiện, chủ trương của Đảng ta, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đây là điều đầu tiên để phù hợp với tinh thần của Hiến pháp”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Bên cạnh đó, đề cập các quy định về cải tạo nhà chung cư, phân tích thực tế rất khó khăn khi thực hiện chủ trương cải tạo nhà chung cư cũ tại TP. Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần rà soát lại các quy định trong dự thảo Luật xem đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hay chưa; đồng thời cho rằng, nên có những quy định tạo điều kiện cho các đô thị lớn như TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để vừa tạo điều kiện cải tạo khu căn hộ, khu chung cư, vừa cải tạo bộ mặt đô thị, vừa nâng cao chất lượng sống cho người dân mà vẫn bảo đảm được mật độ đô thị, dân cư như đã quy hoạch.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tán thành với quy định theo hướng đối với các chung cư cũ (xây dựng trước năm 1994) thì tiếp tục kế thừa quy định của pháp luật nhà ở hiện hành về việc áp dụng hệ số K bồi thường căn hộ. Bởi lẽ, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, việc áp dụng hệ số K bồi thường chỉ phù hợp với việc cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ, nhỏ lẻ trong giai đoạn tiếp theo, các chung cư cũ ở nội đô đã xây tối đa chiều cao được phép xây dựng và không thể gia tăng được mật độ dân cư. Do đó, các nhà đầu tư không có động lực để thực hiện các dự án này; đồng thời Nhà nước cũng không có đủ nguồn lực để đầu tư xây dựng lại.
Về áp dụng hệ số K bồi thường căn hộ đối với các chung cư mới xây dựng sau năm 1994 tư thuộc diện được xây dựng lại do vẫn phù hợp với quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, các chủ sở hữu nhà chung cư cần có trách nhiệm đóng góp kinh phí xây dựng lại nhà chung cư và được nộp kinh phí này theo tiến độ thực hiện dự án hoặc sau khi bàn giao căn hộ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt. Nếu không đóng góp kinh phí xây dựng lại nhà chung cư thì được bồi thường quyền sử dụng đất, giá trị còn lại nếu có theo quy định của Chính phủ.
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Ủy ban Pháp luật phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật. Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ sớm có ý kiến chính thức về các nội dung tiếp thu, chỉnh lý theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.