Bình đẳng - Pháp quyền - Dân chủ - Minh bạch
Nhìn tổng thể, Đảng cương thống nhất với Quốc pháp đều phải nhằm tới giải phóng tiềm năng con người, vươn tới tự do, bảo đảm dân tộc thực sự độc lập và lợi ích đất nước là tối thượng và thiêng liêng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ có hiệu quả quyền con người, quyền công dân”(1). Theo đó, hệ giá trị pháp quyền Việt Nam tối thiểu gồm các nhân tố căn bản và chủ yếu(2):
Một là bình đẳng. Trước pháp luật, mọi tổ chức dù chính trị hay xã hội và mọi cá nhân, mọi giới tính và lứa tuổi đều bình đẳng. Đó là nguyên tắc vận hành một cách dân chủ theo luật định của các thành viên của hệ thống chính trị Việt Nam, xét về tính chỉnh thể. Công lý chỉ có một! Đó cũng chính là tính tối thượng của pháp luật, sự dân chủ của nền pháp quyền Việt Nam, dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Bình đẳng là thước đo trước hết đối với công lý.
Hai là pháp quyền. Trong toàn bộ công việc lãnh đạo kiến tạo và vận hành hệ thống chính trị, pháp luật phải là tối thượng. Không thể không xây dựng và phát triển hành lang pháp lý tổng thể và đủ mạnh để kiến tạo hệ thống chính trị đổi mới. Đó là trọng trách của pháp quyền, một bảo đảm căn bản, một động lực chủ yếu để bảo đảm thành công cuộc đổi mới hệ thống chính trị. Pháp quyền là phương thức hành động tất yếu thực thi chính trị nhân bản; và pháp luật là cái giới hạn tối thượng để thực thi dân chủ một cách tự do và minh bạch, mà tất cả đều vì Nhân dân! Nhất định đó không phải là thứ pháp trị vị pháp trị, pháp quyền vị pháp quyền, mà là pháp trị vị tự do, pháp quyền vị dân chủ, pháp quyền vị nhân văn! Pháp quyền và đạo đức, đó là cái cần hành động lúc này. Làm trái điều đó chính là sự thất bại của công lý và vô hình làm băng hoại đạo đức.
Ngay trong việc làm trong sạch bộ máy của hệ thống chính trị, chúng ta không thể không “lấy chữ “Nhân” (nhân trị) làm trọng để giải quyết tham nhũng, làm trong sạch Đảng” nhưng càng không thể không toàn dụng “pháp trị để thẳng tay với quốc nạn đục khoét đất nước”; chúng ta quyết không mơ hồ “không thể để pháp trị ghi trong Hiến pháp, nhưng ngoài đời lại dùng nhân trị một cách không đến nơi đến chốn, chỗ này dùng luật khắt khe, chỗ kia tha thứ vì bạn bè đồng chí, một cách tùy tiện”, như có ý kiến từng chỉ trích một cách hạn hẹp, thiển cận. Thượng tôn pháp luật với quốc pháp bất vị thân.
Ba là, dân chủ. Đó là mục tiêu, động lực công cuộc lãnh đạo, cầm quyền của Đảng kiến tạo hệ thống chính trị Việt Nam. Nói cách khác, dân chủ vừa là mục tiêu vừa là con đường. Nó không hề mâu thuẫn với việc tiếp biến các thành tựu của nhân loại: pháp quyền hay kỹ trị… Cùng với pháp quyền, dân chủ là mục tiêu mà pháp quyền hướng tới; và đến lượt nó, pháp quyền là giềng mối để dân chủ đích thực được thực thi, chứ không phải là thứ dân chủ hình thức. Không thể cho phép nhân danh dân chủ để đòi… dân chủ vô hạn độ, thổi phồng nhà nước kỹ trị để hạ thấp chính trị, nhân danh phê phán chính trị hóa để âm mưu và cổ xúy cho một thứ chính trị khác là chính trị đa nguyên với nhà nước kỹ trị, âm mưu “bẻ lái” con thuyền chính trị Việt Nam.
Đặc trưng chính trị của Việt Nam, xét về mặt tổ chức chính trị xã hội, rằng Nhân dân không chỉ tạo ra Nhà nước mà là cả hệ thống chính trị, rằng Nhà nước chỉ là một bộ phận trong đó, kể cả Đảng. Điều này không giống các nước “dân chủ” khác. Người ta lại cũng cố quên rằng, nó là một phương thức tổ chức xã hội hiện đại - xem chế độ nhà nước chỉ là một yếu tố tồn tại Nhân dân, nhưng không bao trùm lên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, chỉ là một hình thức tồn tại đặc biệt của Nhân dân. Tức là nhà nước nhỏ và xã hội lớn.
Khi Đảng thực hiện dân chủ thực sự cho Nhân dân, lãnh đạo xã hội để Nhân dân là chủ và làm chủ, nâng cao địa vị, quyền hành và năng lực làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Dân, với thái độ trọng Dân, học Dân, hiểu Dân, hỏi Dân, bàn bạc, giải thích cho Dân và hành động vì Dân, cho Dân, thì Nhà nước, Chính phủ mới được Dân tin, Dân phục, Dân yêu. Nếu không như thế, khi cứ hành động theo kiểu làm bằng được, bất chấp lòng Dân, ý Dân thì Dân oán. Mà “Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị là thất bại”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo.
Bốn là, minh bạch. Dân chủ, bản thân nó đã bao hàm minh bạch. Nhưng, không có minh bạch thì không có dân chủ hoàn bị. Có thể nói, công khai là “thanh bảo kiếm chữa lành mọi vết thương” của nền dân chủ, của hệ thống chính trị được kiến tạo một cách khoa học nhằm thực thi dân chủ một cách hoàn bị.
Vì vậy, minh bạch và công khai là hai nhân tố động lực của dân chủ để kiểm soát toàn vẹn một cách dân chủ, nhằm thực thi dân chủ một cách đúng đắn và hoàn bị, theo tinh thần pháp quyền. Nhưng, chỉ vì cái gọi là minh bạch lại đòi đẩy tới sự “bạch hóa” một cách trần trụi, vô hạn độ, vô chính trị và văn hóa, như có người kêu gào, thì chính là phản minh bạch, vô hình sỉ nhục dân chủ và báng bổ, bóp nghẹt luôn cả chính trị. Minh bạch một cách dân chủ, tuân thủ pháp quyền là con đường để giám sát và kiểm soát chính trị, không thể bỏ mặc nó leo thang đến mức bị mất kiểm soát. Vì sự phát triển của dân chủ chính là sự kiềm tỏa các quyền lực của bản thân chính trị, khuôn nó phải phục tùng một cách dân chủ, minh bạch và thật sự pháp quyền. Làm trái đi, vô hình đặt dân chủ trên ghế “bị cáo” và việc kiểm soát quyền lực chính trị trở nên trống rỗng, thậm chí vô định.
Phản biện - Trách nhiệm - Nhân văn - Lòng tin của Nhân dân
Năm là, phản biện. Tranh luận một cách dân chủ, công khai, bình đẳng và có văn hóa là con đường ngắn nhất, dù gập ghềnh, khó khăn, để dẫn tới chân lý. Đó là sinh khí của nền chính trị dân chủ cho Nhân dân mà chúng ta kiến tạo, bắt đầu từ mỗi thành viên của hệ thống chính trị, giữa các thành viên của toàn hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Đó cũng chính là một trong những con đường phát triển dân chủ. Những quyết sách chính trị đúng đắn một phần chỉ được xây dựng theo tinh thần đó, thông qua đối thoại, tranh luận, phản biện một cách cầu thị, khoa học và đầy trách nhiệm với sứ mệnh của quốc gia và với vận mệnh của mỗi con người.
Không độc quyền chân lý, không áp đặt tư tưởng, không chụp mũ chính trị, chỉ tuân theo pháp luật, đó cũng chính là “hàn thử biểu” của tinh thần dân chủ và pháp quyền, thấm đẫm nhân văn, bằng động lực phản biện một cách thành tâm, trong sáng, vì sự phát triển của dân tộc mà Đảng cần và đang hướng tới.
Sáu là, trách nhiệm. Bình đẳng, dân chủ, minh bạch, phản biện… theo pháp luật tự chúng đã dẫn tới sự bảo đảm trách nhiệm và chịu trách nhiệm về pháp lý và đạo lý. Không giữ vững và bảo đảm trách nhiệm với quốc gia dân tộc, với chính mình thì mọi việc sẽ trở nên trống rỗng, thậm chí hỗn loạn, nguy hiểm đối với toàn cục hệ thống. Đây là “khoảng trống” thường bị coi nhẹ hoặc thực thi chưa thỏa đáng đây đó, trước nay, trên bình diện tổ chức thực tiễn kiến tạo và vận hành của hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nghĩa là quyền lực đang nằm ngoài luật pháp.
Buông lỏng trách nhiệm, tắc trách… nhất định làm hại tất cả mọi nỗ lực về hành xử đức trị hay pháp trị, hạ thấp vị thế từng thành viên, nhiệm vụ và thẩm quyền mỗi người trong từng bộ máy… có nguy cơ khiến cho hệ thống bạc nhược hoặc bất cập. Nói như V.I. Lênin, thảo luận thì thảo luận chung, nhưng trách nhiệm là của từng người. Vì không biết vận dụng nguyên tắc này nên mỗi bước đi, chúng ta lại bị khốn đốn; rằng, một người có trách nhiệm, biết rõ công việc chứ không phải là một ông quan liêu. Người đó sẽ nghiêm khắc chịu trách nhiệm về tình trạng bê trễ; và rằng đáng lẽ phải chịu trách nhiệm về công việc của mình... với ý thức rằng chính mình là người chịu trách nhiệm thì người ta lại nấp sau các ban bệ. Đến thánh cũng không biết đâu mà lần trong các ban đó, không làm thế nào mà tìm ra được người chịu trách nhiệm cả; mọi cái đều rối tung và cuối cùng, người ta đưa ra một nghị quyết trong đó mọi người đều cùng chịu trách nhiệm.
Trách nhiệm trước lịch sử, trước Nhân dân và trực tiếp là trách nhiệm trước chính mình, trên nền tảng dân chủ, bảo đảm bằng pháp quyền, đó phải là bổn phận của các thành viên của hệ thống chính trị Việt Nam, dù là Đảng, Nhà nước hay bất cứ một thành viên nào khác. Hành xử trái thế là vô hình đẩy quyền lực, dù chính trị hay kinh tế, rơi vào vũng bùn vô pháp và sẽ rối loạn.
Bảy là, nhân văn. Đảng lãnh đạo, cầm quyền bằng sự thuyết phục, bằng sự hấp lực trí tuệ và đạo đức, bằng nêu gương của mỗi đảng viên thì bản thân nó đã là sự yêu cầu và thể hiện sinh động tính nhân văn cao cả, trên nền tảng pháp luật. Đó cũng chính là bản chất của Đảng, xứng đáng là đạo đức, là văn minh, là lương tâm và phẩm giá của dân tộc và thời đại. Do đó, một cách tự nhiên, phương thức lãnh đạo, cầm quyền bằng và bởi pháp luật tự nó hàm chứa và phải thể hiện tính nhân văn cao cả từ mỗi đảng viên, mỗi cơ quan, tổ chức của Đảng. Đó là thước đo tính người và tính dân tộc trong mỗi quyết sách và hành động của Đảng. Và, pháp luật sinh ra phải bảo vệ vô điều kiện và phát triển không ngừng tất cả điều đó. Nói một cách hình ảnh, khi mỗi đảng viên hành động một cách đạo đức và chính khí thì sự nghiệp cá nhân họ và bản thân Đảng sẽ mãi mãi trường tồn. Trái thế, tất thất bại, dù được che đậy dưới bất cứ vỏ bọc nào hay thực hiện một cách mỹ miều như thế nào.
Tám là,nhu cầu và lòng tin của Nhân dân. Không có lòng tin của Nhân dân sẽ không có gì cả, mất lòng tin của Nhân dân là mất hết. Đó là chân lý ngàn đời. Lòng tin của Nhân dân đối với Đảng chính là vốn quý nhất trong các tài sản của Đảng, để Đảng dẫn dắt đất nước, làm nên công trạng cho dân tộc. Vì, Đảng lãnh đạo để Nhân dân là chủ quốc gia, làm chủ đất nước. Nhờ đó, Đảng trở nên mạnh mẽ và bước qua mọi khó khăn, nhất là ở những bước ngoặt còn mất của lịch sử cách mạng 93 năm qua. Đối với Nhà nước, lòng tin của Nhân dân là Quốc bảo. Nhờ đó, Nhà nước đứng vững trước những sinh - tử khi mới ra đời và suốt gần 78 năm qua. Đây là động lực căn bản vô hình nhưng hữu hình, hàm chứa sức mạnh của thể chế chính trị nước ta.
Dù nhân trị hay pháp trị, kỹ trị dù cả ba hay hơn nữa, nếu tinh hoa thể chế chúng ta không bao hàm và phát triển lòng Dân và Quốc pháp - hai bảo vật quốc gia - theo tinh thần pháp quyền và dân chủ, một cách thấm đẫm văn hóa thì rất khó nói tới bất cứ sự phát triển mong muốn nào về độc lập của đất nước, tự do và hạnh phúc của Nhân dân - mục tiêu tối thượng của công cuộc lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Lý do trước hết là nhu cầu chân chính được thỏa mãn sẽ tạo nên lòng tin. Và, lòng tin của Nhân dân gắn chặt và bảo đảm sự ổn định của hệ thống chính trị hiện nay đều đặt trên nền móng sức mạnh và khả năng lãnh đạo và quản lý xã hội bằng pháp luật, chứ không phải vào dựa vào quá khứ hay đạo lý chung chung, phải đạo. Đây là giới hạn, là thước đo và đồng thời là công cụ kiểm soát về sự mạnh yếu, thăng trầm, thậm chí sinh tử của thể chế chính trị Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, được bảo vệ và phát triển bằng pháp luật và bởi pháp luật.
Đó chính là văn hóa pháp quyền Việt Nam. Đó cũng chính là hệ giá trị của triết lý phát triển công cuộc lãnh đạo, cầm quyền của Đảng thấm đẫm văn hóa bằng và bởi pháp quyền.
(1) Nguyễn Phú Trọng:“Phát huy những kết quả và bài học kinh nghiệm đã có; tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đổi mới, tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi; vượt qua mọi khó khăn, thách thức; quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, Báo Đại biểu Nhân dân, số ra ngày 17-5-2023, tr.3.
(2) Xem Nhị Lê: Tầm nhìn chiến lược, định vị và phát triển Việt Nam, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2020, tr. 406-416.