Kim chỉ nam của toàn hệ thống
Bám sát Nghị quyết số 26-NQ/TW, Agribank đã hoạch định chiến lược phát triển của mình và coi đây là kim chỉ nam cho mọi hành động. Điều đó được thể hiện trong Nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng bộ Agribank. Gần đây nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Agribank lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 - 2025 khẳng định, “giữ vững vị trí chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn” là mục tiêu quan trọng, xuyên suốt trong chiến lược phát triển của toàn hệ thống. Điều này tiếp tục được hiện thực hóa tại Đề án chiến lược phát triển Agribank đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời cũng là bước triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW của Agribank.
Trên cơ sở đó, Đảng ủy Agribank đã ban hành Chương trình hành động số 08-CTr/ĐU-NHNo ngày 30.6.2021 về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII gắn với triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III nhiệm kỳ 2020 - 2025 cùng các nghị quyết chuyên đề phù hợp với thực tiễn hoạt động Agribank. Agribank đã chủ động thực hiện các giải pháp, chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ của NHNN nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát huy hiệu quả vai trò chủ lực trong hệ thống ngân hàng về cung cấp tín dụng, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Toàn hệ thống tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi để góp phần thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia và bảo đảm an sinh xã hội đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Theo đó, hàng loạt chương trình, chính sách tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai đồng loạt. Qua đó, kịp thời cung ứng tín dụng ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Dẫn đầu thị phần đầu tư
Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương xác định mục tiêu cao nhất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Để góp phần đưa mục tiêu này về đích, Agribank tiếp tục ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đến 30.6.2023, tổng tài sản Agribank đạt trên 1,9 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,75 triệu tỷ đồng; dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,46 triệu tỷ đồng; các tỷ lệ an toàn hoạt động đảm bảo theo quy định. Agribank luôn làm tròn nhiệm vụ chính trị, vai trò của ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam, giữ vững vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với tỷ trọng đầu tư cho khu vực "tam nông", chiếm khoảng 65%/tổng dư nợ, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thị phần tín dụng đầu tư nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam.
Nguồn vốn đầu tư lớn giúp Agribank luôn chủ động thực hiện các chương trình chính sách của Đảng, Nhà nước. Hiện, Agribank đã và đang thực hiện 7 chương trình tín dụng chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Agribank là "cầu nối" quan trọng đưa chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với người dân cả nước; giúp đồng bào được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi chính thức của Nhà nước, góp phần làm thay đổi căn bản chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn. Agribank luôn nỗ lực không ngừng đa dạng hóa các kênh dẫn vốn, đưa dịch vụ ngân hàng đến địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đến nay, Agribank đã triển khai trên 69.000 tổ vay vốn với gần 1,5 triệu thành viên; triển khai an toàn 68 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, phục vụ hơn 1,4 triệu lượt khách hàng tại trên 454 xã trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi đối với hộ gia đình, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận vốn vay và dịch vụ ngân hàng.
Riêng chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, sau hơn 10 năm thực hiện, nguồn vốn của Agribank đã "phủ" đến 100% số xã trong cả nước, trong đó trên 50% nguồn vốn cho vay xây dựng nông thôn mới để đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh các ngành nông, lâm, ngư, diêm nghiệp giúp nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực; gần 35% nguồn vốn đầu tư cho dịch vụ thương mại; trên 15% nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn... Nguồn vốn tín dụng của Agribank đã hỗ trợ, tạo điều kiện để các địa phương thực hiện các dự án "điện, đường, trường, trạm", các hộ gia đình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao năng suất, thu nhập góp phần ổn định đời sống; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa. Bên cạnh đó, dòng vốn tín dụng của Agribank tiếp tục được tập trung vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên; tăng trưởng tín dụng xanh, năng lượng sạch, ứng dụng công nghệ cao.