Phát biểu tại Lễ trao tặng giải thưởng, GS.TS. Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết: năm 2022, Hội đã nhận được số lượng tác phẩm dự giải không nhiều như các năm trước. Sau khi loại bỏ những công trình không đáp ứng tiêu chí dự giải, Hội đồng sơ khảo giải thưởng họp xét, có 48 công trình đủ điều kiện theo Quy chế Giải thưởng.
Trong số 48 công trình đủ điều kiện, có 16 công trình thuộc chuyên ngành Ngữ văn và lý luận văn hóa dân gian (năm 2021 có 21 công trình); 18 công trình thuộc chuyên ngành Phong tục tập quán, lễ hội, địa chí văn hóa (năm 2021 có 28 công trình); 6 công trình thuộc chuyên ngành Nghệ thuật biểu diễn (bằng năm 2021); 3 công trình thuộc chuyên ngành Nghệ thuật tạo hình và kiến trúc (bằng năm 2021); 5 công trình thuộc chuyên ngành Văn hóa ẩm thực, nghề cổ truyền và tri thức (năm 2021 có 11 công trình). Như vậy, so với năm 2021, năm nay số công trình dự giải ít hơn 21 công trình, chủ yếu ở 3 chuyên ngành phải điền dã nhiều là: Phong tục tập quán, lễ hội, địa chỉ văn hóa (giảm 10 công trình), Văn hóa ẩm thực, nghề cổ truyền và tri thức dân gian (giảm 6 công trình) và Ngữ văn và lý luận văn hóa dân gian (giảm 5 công trình).
Các công trình dự giải năm nay có mặt ở cả 5 chuyên ngành, trên cả hai lĩnh vực - điều tra sưu tầm và nghiên cứu. Về dung lượng: bên cạnh một vài công trình chỉ ngót nghét trăm trang, có công trình trên 1.000 trang. Trên cơ sở kết quả xếp loại của 5 Hội đồng chuyên ngành, Hội đồng chung khảo đã rà soát, cân đối và thống nhất kết quả giải thưởng sưu tầm, nghiên cứu của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2022 gồm: 4 giải Nhì B; 4 giải Ba A; 12 giải Ba B; 12 giải Khuyến khích; và 5 Tặng phẩm.
Trong đó, 4 tác phẩm đạt giải Nhì B gồm: Sử thi Bahnar Giông, Giỡ tìm Bia Lũi – Giông, Giỡ chă Bia Lũi Song ngữ Bahnar – Việt (tác giả Nguyễn Tiến Dũng sưu tầm, biên soạn); Sử thi Bahnar Giông, Giỡ bán ghè thần Rang Blo – Giông, Giỡ tech ge yang Rang Blo Song ngữ Bahnar – Việt (tác giả Nguyễn Tiến Dũng sưu tầm, biên soạn); Văn hóa vật chất và văn hóa xã hội thời kỳ Đại Việt – 2 quyển (tác giả Nguyễn Xuân Kính chủ biên); Bách khoa thư làng Việt cổ truyền (tác giả Bùi Xuân Đính)…
Theo GS. TS. Lê Hồng Lý, việc không có công trình nào đạt giải Nhất, Nhì A, trong khi nhiều giải Khuyến khích, cho thấy sụt giảm so với năm 2021 cả về số lượng lẫn chất lượng. Nguyên nhân có thể từ những năm dịch bệnh, quy định về giãn cách xã hội một thời gian dài ảnh hưởng rất lớn đến công việc điều tra sưu tầm, nghiên cứu. Bốn công trình được giải cao năm nay đều là những công trình đã tiến hành trong nhiều năm trước dịch.
Bên cạnh đó, có những công trình dày dặn, được thực hiện công phu nhưng chỉ là tập hợp những bài viết với nhiều chủ đề khác nhau, không phải công trình nghiên cứu hoàn chỉnh về văn hóa dân gian. Về kỹ thuật, một số tác giả đã phiên âm dịch nghĩa truyện thơ mà không chú nguồn phần chữ dân tộc lấy từ đâu, cũng không thể trao giải hoặc giải cao…
Cũng trong sáng 10.12, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức Lễ mừng thọ hội viên cao tuổi; phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và trao tặng khen thưởng năm 2022 cho các hội viên.