Tiến độ giải ngân vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra
Tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Lê Ngọc Anh cho rằng, tiến độ giải ngân đầu tư công dù cao hơn cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn thấp so với mục tiêu đề ra. Với giải pháp quyết liệt của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố cũng như cam kết của các quận, huyện, đại biểu tin tưởng rằng đến cuối năm 2022 cơ bản các quận, huyện đạt được tiến độ giải ngân như cam kết đã đề ra.
Bày tỏ thống nhất với nội dung các tờ trình của UBND thành phố, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân nhận định: năm 2022 dù có nhiều khó khăn vướng mắc nhưng kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội tương đối cơ bản, toàn diện; kinh tế thành phố tăng trưởng cao nhất từ đầu năm đến nay, thu ngân sách hoàn thành sớm.
Tuy nhiên, dự báo năm 2023 tình kinh tế - xã hội ảnh hưởng chung đến thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn, sản xuất kinh doanh cũng dự báo nhiều khó khăn, đặc biệt thu từ bất động sản thấp, chưa có giải pháp tháo gỡ. Do đó, đại biểu đề nghị tập trung hơn nữa để có giải pháp cụ thể, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp để đầu tư, tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Xuân Đại cho rằng, thu ngân sách giảm so với cùng kỳ năm 2021, trong đó thu về đất giảm. Với định hướng năm 2023, đại biểu cơ bản nhất trí nhưng cũng nhấn mạnh việc thành phố đặt mục tiêu tăng trường hơn 7%. Trong đó, thu từ đất giảm nên năm tới sẽ rất khó khăn để đạt được mục tiêu. Vì vậy trong mục tiêu, nhiệm vụ cần nêu rõ nhiệm vụ đầu tư phát triển để đạt tốc độ tăng trưởng.
Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ dự án, chú trọng tới vấn đề thiếu nguyên vật liệu. "Có những dự án đầy đủ thủ tục, sẵn sàng khởi công nhưng cần khối lượng nguyên vật liệu, tiền đền bù giải phóng mặt bằng rất khổng lồ. Vì thế cần sớm phê duyệt giá nguyên vật liệu; đưa dự án đầu tư công mới và tái đầu tư vào phê duyệt", đại biểu Nguyễn Xuân Đại nêu.
Còn đại biểu Nguyễn Thanh Nam bày tỏ đồng tình với đánh giá năm 2023 tiếp tục có những khó khăn tiềm ẩn như rủi ro trong hoạt động của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt ngành nghề sử dụng nhiều lao động, ngành có lãi suất tăng cao, sử dụng lao động cơ hữu... dẫn đến đảm bảo việc làm khó khăn. Vì thế, trong các chỉ tiêu đánh giá năm 2023 cần quan tâm tỉ lệ thất nghiệp khu vực nông thôn; phân tích rõ tỉ lệ doanh nghiệp giải thể để có điều chỉnh về chính sách.
Liên quan đến đầu tư công, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân cho biết, hiện có nhiều vướng mắc và giải pháp nhưng hàng năm tỉ lệ vẫn chưa đạt. Các danh mục công trình đầu tư công trung hạn nhiều nhưng các dự án đủ thủ tục ít, không được bố trí vốn để triển khai. Vì thế cần quan tâm lớn đến công tác chuẩn bị đầu tư, thời gian tới cần có kế hoạch rà soát tổng thể đầu tư trung hạn, có danh mục đầu tư, cụ thể hoá thời gian, lộ trình thực hiện... để có cơ sở thực hiện đạt tiến độ.
Tập trung bàn giải pháp thúc đẩy kinh tế
Theo đại biểu Vũ Mạnh Hải, làng nghề có nhiều đóng góp lớn cho phát triển kinh tế, do đó, thời gian tới thành phố cần quan tâm hơn nữa về chính sách đất đai cho phát triển làng nghề. Theo thống kê, toàn thành phố có hơn 1.300 làng nghề. Vì vậy, cần đánh giá, nghiên cứu kỹ, vì diện tích đất nông nghiệp, một số nông dân không sản xuất, lãng phí, thì có thể quy hoạch, để phát triển làng nghề, phát triển du lịch…
Còn đại biểu Duy Hoàng Dương đề nghị, cần phân tích rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng viên chức y tế, giáo dục nghỉ việc, bỏ việc; làm rõ thành phần đối tượng, độ tuổi, trình độ, số lượng cụ thể... Cần rà soát, điều chỉnh thực hiện quy hoạch mạng lưới y tế, giáo dục; đẩy mạnh quy hoạch mạng lưới giáo dục, y tế để phù hợp với phát triển Thủ đô trong tình hình mới; xây dựng cơ chế tự chủ cho hai lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, việc thực hiện cải cách hành chính cần gắn chặt với Đề án phân cấp, ủy quyền, bảo đảm tính thông suốt từ thành phố đến xã, phường; công tác kiểm tra cũng phải được tích cực, để tính hiệu quả phát huy. Đối với Dự án đường Vành đai 4, đại biểu Duy Hoàng Dương cho rằng, thành phố cần dự báo về công tác phát sinh trong giải phóng mặt bằng. Trước mắt, thành lập tổ công tác đặc biệt để xử lý ngay các vấn đề khó khăn trong giải phóng mặt bằng; có kịch bản cụ thể, xử lý đơn thư, khiếu nại nhằm triển khai cao nhất trong giải phóng mặt bằng cho dự án về đích đúng tiến độ.
Đại biểu cũng cho biết, thời gian qua, UBND thành phố chỉ đạo nghiêm công tác phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự nhưng nay có trên 48.000 cơ sở có tồn tại, hạn chế về phòng cháy chữa cháy đang hoạt động, phải nhấn mạnh trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong quán lý, kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt cần tập huấn cho lực lượng dân phòng; nhân rộng các mô hình thực hiện tốt phòng cháy chữa cháy ở khu dân cư.
Tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu, tại phiên thảo luận tổ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Hà Nội sẽ cụ thể hoá thành các nội dung để triển khai thực hiện. Làm rõ thêm một số nội dung đại biểu quan tâm, Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, về tốc độ tăng trưởng năm 2022 so sánh tổng thể trên địa bàn cả nước thì Hà Nội đã đạt 8,8%, đây là sự cố gắng của cả hệ thống chính trị. Chỉ trong vòng 10 tháng sau khi mở cửa nền kinh tế đã có cố gắng nỗ lực đạt được lĩnh vực dịch vụ, sản xuất thực hiện tốt, từ đó tạo nguồn thu ngân sách.
Thời gian tới, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thành phố sẽ phối hợp tổ chức đối thoại, thu hút đầu tư với hơn 300 doanh nghiệp Hàn Quốc. Năm 2023 sẽ tiếp tục tăng cường tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp theo nhóm vấn đề, trên cơ sở đó sẽ tham mưu cho thành phố tháo gỡ khó khăn.