Cần phải có quy định về an toàn thực phẩm với thức ăn đường phố
Hiện nay, kinh doanh thức ăn đường phố được coi là loại hình kinh doanh, dịch vụ có nhiều ưu điểm như thuận tiện, rẻ tiền, đáp ứng được nhu cầu sử dụng thực phẩm cho rất nhiều đối tượng. Thậm chí, nhiều thức ăn đường phố còn là những nét ẩm thực mang tính văn hóa vùng miền. Bên cạnh đó nó còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho xã hội. Tuy nhiên, thức ăn đường phố lại tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về mất an toàn thực phẩm.
Theo Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, Nguyễn Thanh Phong, do giá rẻ nên nếu không quản lý chặt chẽ, nguồn nguyên liệu để chế biến thức ăn đường phố có nguy cơ không bảo đảm chất lượng. Thực tế công tác thanh tra kiểm tra đã phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, nhiều bếp ăn tập thể sử dụng các nguyên liệu không bảo đảm ATTP như gà nhập lậu, nội tạng động vật không bảo đảm chất lượng, dầu ăn dùng nhiều lần, rau ế hay các chất phụ gia ngoài danh mục... Vì vậy, việc quy định chất lượng nguyên liệu chế biến thức ăn đường phố rất quan trọng và cần thiết. Bên cạnh đó, điều kiện kinh doanh thức ăn đường phố chủ yếu trên lòng, lề đường, nên việc quy định phải có vật che chắn khói bụi, côn trùng và động vật gây hại cũng rất quan trọng. Đồng thời, nếu không quy định rõ nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu, nếu xảy ra sự cố thì không những không truy xuất được nguồn gốc, ảnh hưởng đến người tiêu dùng trực tiếp thức ăn đường phố đó mà còn không ngăn ngừa được các sự cố tiếp theo xảy ra ở nơi khác.
Phó cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cho biết thêm, trong quá trình kiểm tra giám sát và khám sức khỏe sàng lọc, các cơ quan y tế đã phát hiện rất nhiều trường hợp người đang bán hàng bị mắc các bệnh truyền nhiễm như bệnh lao. Nếu không có quy định phải khám sức khỏe đối với người kinh doanh thức ăn đường phố thì đây chính là nguồn lây bệnh cho cả cộng đồng. Từ năm 2007 đến nay, 5 lần dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm quay trở lại, về dịch tễ học, có yếu tố nguyên nhân lây qua thực phẩm, nhất là thức ăn đường phố. Nguy cơ dịch tiêu chảy cấp xuất hiện trở lại còn rất lớn nếu ta không xiết chặt thức ăn đường phố, ông Phong nhấn mạnh.
Mặt khác, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nơi bày bán thức ăn, nguyên liệu, dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm và người kinh doanh thức ăn đường phố cũng đã được quy định rõ tại Luật An toàn thực phẩm. Phó cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cho rằng, Thông tư 30 được xây dựng và ban hành căn cứ vào quy định của pháp luật, đồng thời cũng dựa trên thực tiễn công tác quản lý thức ăn đường phố hiện nay. Việc ra đời của thông tư này sẽ góp phần giảm thiểu tối đa những hậu quả đáng tiếc về vi phạm VSATTP của thức ăn đường phố.
Không tốn nhiều kinh phí để thực hiện
Phó cục trưởng Nguyễn Thanh Phong khẳng định, những quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ và người trực tiếp chế biến thức ăn đường phố tại Thông tư 30 hoàn toàn phù hợp với thực tiễn và không hề gây khó khăn cho người kinh doanh. Cụ thể, đối với quy định về việc không được bày bán thực phẩm sát mặt đất, đầu tư không hề lớn, chỉ cần một cái bàn, một cái ghế cao cách mặt đất 60cm. Tiêu chuẩn này được đưa ra dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học là từ 60cm trở lên, nồng độ vi khuẩn đã giảm đi đáng kể, càng sát mặt đất, nồng độ vi khuẩn càng cao.
Đối với quy định không được dùng tay không bốc thức ăn trực tiếp cho khách, để thực hiện quy định này, người bán hàng có thể dùng kẹp gắp hoặc găng tay nilon. Những dụng cụ này đầu tư chắc chắn không lớn, ông Phong nhấn mạnh. Có những người bưng bê thực phẩm chín như bánh cuốn, khoai luộc, sắn luộc, bánh rán… đi trên đường phố bụi bặm. Chỉ cần dùng nilon sạch bao ở trên, đầu tư cho việc này không đáng bao nhiêu, quan trọng là có làm hay không.
Bên cạnh đó, các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu, yêu cầu chuyển địa điểm, không được bán không gần cống rãnh, khám sức khỏe, tập huấn đối với người bán… cũng không phải tốn kém nhiều. Hiện nay, rất nhiều địa phương đã tổ chức tập huấn và khám sức khỏe miễn phí cho người kinh doanh thức ăn đường phố như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương. Cục ATTP cho biết sẽ đề nghị các địa phương học tập và tiếp tục nhân rộng việc khám sức khỏe và tập huấn miễn phí này.
Quan trọng là ý thức của người kinh doanh
Trả lời về tính khả thi của Thông tư 30, Cục trưởng Cục ATTP Trần Quang Trung đánh giá, việc vận động an toàn vệ sinh thức ăn đường phố là rất khó khăn, cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động để người dân nhận thức, nhất là những người bán hàng.
Phó cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cũng chia sẻ thêm, không phải văn bản nào đưa ra hôm trước, hôm sau đã răm rắp tuân theo ngay. Cái khó ở đây là thay đổi thói quen, hành vi, ý thức trách nhiệm của người kinh doanh và của cả người sử dụng thực phẩm. Chúng ta phải có quá trình vận động, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát. Ông Phong đưa ra ví dụ: kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy có những tỉnh 62% người bán thực phẩm nhiễm E.coli, 100% tiền dưới 2.000đ nhiễm E.coli, nhưng nhiều người vẫn “ngang nhiên” vừa dùng tay vừa bốc thức ăn cho khách vừa đếm tiền… Để phòng ngừa điều này không có gì là khó, có thể dùng găng tay nilon, hoặc là dùng kẹp gắp. Tuy nhiên, trong những đợt dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, Cục ATTP cùng các chi cục đã mua hàng trăm nghìn đôi găng tay nilon phát miễn phí cho những người bán thức ăn đường phố, nhưng nhiều người vẫn không sử dụng. Hiện nay, Cục đang chỉ đạo các địa phương là khám sức khỏe, tập huấn miễn phí nhưng nhiều người được mời đi có khi cũng không đi. Như vậy, vấn đề ở đây không hẳn do chi phí đầu tư mà do thói quen và sự thiếu ý thức, trách nhiệm với cộng đồng của người kinh doanh.
Tuyên truyền xong mới xử phạt
Phó cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cho biết, việc triển khai thực hiện Thông tư 30 cần có lộ trình. Thông tư đang ở giai đoạn mới bắt đầu phổ biến tuyên truyền và áp dụng trong thực tiễn, nên giải pháp trước mắt là vận động, tuyên truyền và ký cam kết. Thời gian vận động, tuyên truyền sẽ làm đến khoảng tháng 3, tháng 4 năm nay. Theo Cục trưởng Trần Quang Trung, việc tuyên truyền, tập huấn được thực hiện bằng rất nhiều hình thức, không đặt nặng thủ tục hành chính, điều quan trọng nhất là truyền tải được thông điệp về ATTP tới người dân. Tất nhiên khi đã tập huấn, ký cam kết rồi mà các đối tượng vẫn vi phạm thì chắc chắn sẽ chịu xử phạt theo quy định của pháp luật. Nghị định 91 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP đã quy định chi tiết mức phạt tương ứng đối với từng hành vi, từng nội dung, từng vi phạm về bảo đảm ATTP đối với thức ăn đường phố. Cơ quan xử lý vi phạm ở đây là Chi cục ATTP, UBND cấp xã, phường theo quy định của pháp luật.
Theo Phó cục trưởng Phong, kinh nghiệm cho thấy, ở đâu chính quyền phường làm quyết liệt, thực hiện tốt nhiệm vụ của mình thì hiệu quả rất cao. Là địa phương làm rất tốt, Đà Nẵng đã yêu cầu các phường thống kê đối tượng kinh doanh cần phải quản lý. Sau đó sẽ mời đến phổ biến, tập huấn và khám sức khỏe. Người kinh doanh khi đủ điều kiện sẽ được cấp giấy chứng nhận đã tham gia những lớp như vậy. Điều quan trọng hơn nữa là những đơn vị có nhiệm vụ, chức năng kiểm tra, giám sát cần kiên quyết và quyết liệt thực hiện để bảo đảm tính bền vững. Dù khó khăn nhưng vẫn phải làm, nếu không làm thì không bao giờ thành công, ông Phong nhấn mạnh.

TP. Hà Tĩnh giảm nhựa để phát triển bền vững
Với tầm nhìn chiến lược và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, trong đó tập trung nâng cao nhận thức, phân loại tại nguồn, tăng cường tái chế, xử lý các điểm nóng…, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đang trên hành trình xây dựng đô thị không rác thải nhựa, hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững.