Thủ tướng Phạm Minh Chính đang có chuyến công tác tại Thừa Thiên Huế, tham dự Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024.
Cùng tham dự lễ khởi công có đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Bệnh viện Trung ương Huế là bệnh viện Tây y đầu tiên của Việt Nam, được thành lập năm 1894. Trải qua 130 năm hình thành và phát triển, Bệnh viện Trung ương Huế hiện là bệnh viện hạng đặc biệt với 3 cơ sở, quy mô trên 5.000 giường bệnh và có trên 4.100 nhân viên.
Hằng năm, bệnh viện tiếp nhận gần 1 triệu lượt bệnh nhân trong và ngoài nước đến khám, điều trị; phẫu thuật gần 50.000 ca. Bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật mới áp dụng trong các chuyên ngành, đặc biệt là ghép tạng (gần 2.000 ca), trong đó có rất nhiều ca ghép tạng xuyên Việt (đứng đầu cả nước).
Bệnh viện Quốc tế thuộc Bệnh viện Trung ương Huế khánh thành từ năm 2014, là cơ sở y tế đạt chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam ở bệnh viện công lập, với quy mô 300 giường bệnh.
Theo GS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, dự án Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế giai đoạn 2 có tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng phần xây dựng và gần 100 tỷ đồng phần trang thiết bị y tế, đáp ứng khả năng tiếp nhận thêm 300 giường bệnh đạt tiêu chuẩn quốc tế (5 sao). Thời gian dự kiến từ khi khởi công xây dựng đến khi hoàn thành là 700 ngày.
Việc xây dựng Bệnh viện Quốc tế giai đoạn 2 sẽ góp phần đưa phát triển Bệnh viện Trung ương Huế có thương hiệu quốc tế, là trung tâm y học cao cấp; trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao đạt chuẩn các bệnh viện khu vực Đông Nam Á và quốc tế, theo tinh thần Nghị quyết 54 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế và theo Quyết định số 201 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, Bệnh viện Trung ương Huế thường xuyên nằm trong top đầu về chất lượng theo kết quả đánh giá 83 tiêu chí của Bộ Y tế, có môi trường xanh - sạch - đẹp.
Hằng năm, bệnh viện phục vụ số lượng lớn người bệnh, thu hút không chỉ người bệnh địa phương mà còn người bệnh từ các tỉnh khác và người nước ngoài. Điều này cũng đã góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của người dân Việt Nam với dịch vụ y tế tại địa phương, không cần phải đi ra nước ngoài điều trị.
Đáng chú ý, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết những năm gần đây, nhiều người nước ngoài đã lựa chọn Việt Nam để sử dụng các dịch vụ y tế, vì hiệu quả điều trị cao với chi phí thấp hơn nhiều lần.
Du lịch y tế đang là xu hướng của nhiều người nước ngoài và đây là cơ hội cho Việt Nam. Bộ Y tế cũng đã có chủ trương "dây rút ngược" nhằm kéo người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh, tuy nhiên do dịch bệnh Covid-19 nên chủ trương này chưa thực hiện được.
Theo Thứ trưởng, Bệnh viện Trung ương Huế đã được Chính phủ và Bộ Y tế chọn là 1 trong 5 bệnh viện hạng đặc biệt được nâng cấp, trở thành bệnh viện ngang tầm quốc tế. Bệnh viện có nhiều lợi thế để trở thành một trung tâm du lịch chăm sóc sức khỏe, với chất lượng tốt, tọa lạc ở thành phố Huế nổi tiếng và thơ mộng với 05 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, giao thông thuận lợi để kết nối quốc tế và với nhiều địa phương trong cả nước.