Các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Chủ tịch Hội đồng Thẩm định; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định, đồng chủ trì hội nghị.
Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch lần đầu tiên được triển khai lập ở Việt Nam theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021 - 2030.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch tổng thể quốc gia tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Xác định các quan điểm lớn về phát triển quốc gia; xác định và định hướng phát triển cho các vùng động lực, cực tăng trưởng; hình thành các trục và hành lang kinh tế; hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng.
Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt khoảng 7%, trong đó vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng tăng 8 - 8,5%/năm; hình thành hai vùng động lực phía Bắc và phía Nam gắn với hai cực tăng trưởng là Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hành lang kinh tế Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Mộc Bài - TP. Hồ Chí Minh - Vũng Tàu với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tốc độ tăng trưởng cao… Đến năm 2050, phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7,5%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD/người…
Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng Thẩm định đánh giá Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được thực hiện một cách công phu, nghiêm túc, bài bản, cầu thị, huy động được sự tham gia đông đảo, hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế. Góp ý vào dự thảo Quy hoạch, các đại biểu đề xuất, cần tập trung làm rõ các nút thắt, thách thức cũng như giải pháp để bảo đảm tốc độ tăng trưởng.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, công tác quy hoạch rất quan trọng đối với sự phát triển đất nước; quy hoạch tốt sẽ tạo sự phát triển tốt.
Nêu rõ việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia là công việc khó bởi lần đầu tiên được triển khai, chưa có tiền lệ, quy mô rộng, nhiệm vụ lớn, phức tạp, nhạy cảm, Thủ tướng đề nghị, phải giữ vững đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến của nhau, quyết định theo đa số với tinh thần trách nhiệm cao nhất để bảo đảm chất lượng và tiến độ công việc.
Chia sẻ một số nội dung để các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình hoàn thiện Quy hoạch, trình các cấp có thẩm quyền theo quy định, Thủ tướng lưu ý: Cần làm rõ sự khác biệt của Quy hoạch khác với chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm. Việc xây dựng Quy hoạch phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời đánh giá sát tình hình, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo với số liệu cụ thể.
Thủ tướng nhấn mạnh, Quy hoạch phải thể hiện tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược. Theo đó, Quy hoạch phải chỉ ra được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, từ đó có giải pháp phù hợp để phát huy tối đa các nguồn lực, trong đó nội lực mang tính cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài và phải tranh thủ ngoại lực để tạo đột phá. Đồng thời, phải hóa giải được những mâu thuẫn, thách thức, tồn tại, yếu kém của nội tại nền kinh tế (như về thể chế, hạ tầng, kết nối vùng, kết nối quốc tế…).
Thủ tướng yêu cầu, cần đánh giá tác động của Quy hoạch để từ đó quyết tâm thực hiện. Đặc biệt, cần phải làm rõ cách thức huy động nguồn lực, gồm cả nguồn lực trong nước và từ nước ngoài để thực hiện quy hoạch, trong đó yếu tố con người là quyết định.
Cũng tại Hội nghị, các ủy viên, thành viên Hội đồng Thẩm định đã bỏ phiếu thông qua Hồ sơ Quy hoạch và dự thảo Báo cáo thẩm định. Kết quả, 100% số thành viên có mặt đều nhất trí thông qua. Như vậy, Hồ sơ Quy hoạch đủ điều kiện trình Chính phủ xem xét để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư tới.