Bảo đảm các mục tiêu phát triển của Vùng Thủ đô
Với 474/475 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,18% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến đề nghị bổ sung đánh giá tác động về kinh tế - xã hội của Dự án đối với TP. Hà Nội và một số tỉnh lân cận; đề nghị báo cáo làm rõ tình hình thực hiện các tuyến đường Vành đai của TP. Hà Nội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Dự án với vai trò liên kết vùng, giúp tái cấu trúc đô thị của các địa phương trong vùng, khai thác hiệu quả các đô thị vệ tinh góp phần giãn mật độ dân cư khu vực nội đô; tách giao thông liên tỉnh với giao thông nội đô, giảm thiểu ùn tắc giao thông; thúc đẩy phát triển đô thị hóa, phát triển các hành lang kinh tế và thu hút đầu tư, tạo nguồn lực đầu tư phát triển cho các địa phương trong vùng. Các tuyến vành đai nằm trong khu vực đô thị trung tâm TP. Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện. Tuy nhiên, theo kết quả dự báo nhu cầu vận tải, hệ thống hạ tầng nội đô chưa đáp ứng được yêu cầu vận tải, đến năm 2027 cần thiết phải đưa Dự án đường Vành đai 4 vào vận hành khai thác. Việc sớm đầu tư tuyến Vành đai 4 sẽ giúp khai thác đồng bộ với các tuyến đường vành đai khác để bảo đảm các mục tiêu phát triển của TP và Vùng Thủ đô.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, có ý kiến đề nghị làm rõ tính khả thi đầu tư theo phương thức PPP đối với dự án thành phần 3. Có ý kiến đề nghị bổ sung làm rõ sơ bộ phương án tài chính của dự án thành phần 3 áp dụng phương thức PPP và cụ thể hóa trong Nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, theo báo cáo của Chính phủ, UBND TP. Hà Nội đã nhận được đề xuất của các nhà đầu tư tiềm năng mong muốn được tham gia thực hiện Dự án. Các nhà đầu tư đều có cam kết đối với việc huy động vốn trên thị trường và khẳng định tính khả thi của Dự án. Việc đánh giá cụ thể năng lực tài chính của nhà đầu tư sẽ được tiếp tục thực hiện tại bước đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án. Đồng thời, qua kết quả tính toán sơ bộ về phương án tài chính có các thông số bảo đảm khả thi, thời gian hoàn vốn 21 năm, do đó, việc áp dụng phương thức đầu tư PPP là có cơ sở. Về phương án tài chính sẽ được tính toán, quyết định cụ thể theo quy định của pháp luật và kết quả đấu thầu khi thực hiện Dự án.
Giảm áp lực đối với khu vực nội đô
Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh được thông qua với 475/478 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,38% tổng số đại biểu Quốc hội.
Theo Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình dự thảo Nghị quyết do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày, có ý kiến đề nghị bổ sung làm rõ hơn tính cấp bách của Dự án.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, theo quy hoạch chi tiết đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Dự án phải đầu tư hoàn thành trước năm 2020, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng khép kín toàn tuyến. Trong khi, hạ tầng giao thông cửa ngõ TP. Hồ Chí Minh đến nay đã quá tải, đặc biệt vào khung giờ cao điểm. Do đó, việc sớm đầu tư Dự án sẽ góp phần làm giảm áp lực đối với khu vực nội đô, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường, đồng thời, việc xây dựng tuyến đường Vành đai 3 khép kín cùng với cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ tạo giải pháp hữu hiệu phân luồng giao thông liên tỉnh khi đi qua TP. Hồ Chí Minh, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ khu vực nhằm phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế đô thị, tạo nguồn lực đầu tư phát triển cho tương lai.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nêu rõ, một số ý kiến đề nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện thành 2 năm từ khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua hoặc hoặc toàn thời gian thực hiện Dự án. Một số ý kiến đề nghị áp dụng điểm d khoản 1 Điều 3 dự thảo Nghị quyết (về cơ chế không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường) cho đến khi hoàn thành Dự án; có ý kiến đề nghị áp dụng trong 4 năm.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, đồng thời tránh có thể dẫn đến việc lạm dụng các cơ chế đặc biệt trong khi quy định pháp luật về đầu tư đã tương đối đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể hiện nội dung này tại điểm c và d Điều 2 dự thảo Nghị quyết theo hướng các cơ chế, đặc biệt này được áp dụng trong thời gian 2 năm kể từ khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua.
2 năm kể từ khi Nghị quyết được thông qua là thời hạn để tiến hành việc chỉ định thầu và việc không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án, còn việc thực hiện các gói thầu và khai thác mỏ khoáng sản sẽ được thực hiện đến khi hoàn thành Dự án.