Dự và chủ trì Hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo), Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương Phan Đình Trạc; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trần Sỹ Thanh; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Võ Văn Dũng; Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa.
Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường; Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải; lãnh đạo Tổng Kiểm toán Nhà nước, cán bộ, lãnh đạo các vụ, đơn vị có liên quan của Ban Nội chính Trung ương và Kiểm toán Nhà nước (KTNN).
Phát biểu khai mạc, Tổng KTNN Trần Sỹ Thanh nêu rõ, ngày 11.3.2015, Ban Nội chính Trung ương và Ban cán sự đảng KTNN đã ký Quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống tham nhũng. 5 năm qua, từ khi ký Quy chế phối hợp, hai cơ quan đã có nhiều nỗ lực thực hiện tốt các cam kết trong Quy chế, bảo đảm đúng nội dung, nguyên tắc và phương pháp phối hợp trên tinh thần trách nhiệm cao của mỗi cơ quan, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Hội nghị sơ kết lần này có nhiệm vụ đánh giá kết quả phối hợp trong thời gian qua, bàn các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, tập trung đánh giá những mặt đã làm được cũng như chưa làm được, làm rõ nguyên nhân để rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó đưa ra các giải pháp thực hiện đạt kết quả cao nhất, hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Kiến nghị xử lý tài chính gần 406 nghìn tỷ đồng
Dự thảo Báo cáo sơ kết Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và Ban cán sự đảng KTNN trong công tác phòng, chống tham nhũng cho thấy, qua hơn 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp, mỗi cơ quan có thêm nhiều thuận lợi để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Đáng chú ý, hai cơ quan đã tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách lớn về phòng, chống tham nhũng. Phối hợp có hiệu quả trong việc tham mưu cho Ban Chỉ đạo chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý tham nhũng, cũng như việc trực tiếp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan đối với các cấp ủy, tổ chức đảng. Qua đó, phát hiện và kiến nghị xử lý nhiều vụ việc tham nhũng, sai phạm kinh tế nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm; kiến nghị thu hồi cho ngân sách nhà nước nhiều tài sản, tiền, đất đai; góp phần quan trọng đối với công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, KTNN đã đẩy mạnh triển khai công tác kiểm toán toàn diện, tập trung vào các lĩnh vực, dự án có nhiều thông tin, dư luận về tiêu cực, tham nhũng, như: công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, chuyển đổi nhà, đất công; đầu tư xây dựng cơ bản; tài nguyên khoáng sản; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT; việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý và sử dụng vốn, tài sản của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, giáo dục, y tế…; phát hiện nhiều sai phạm, kiến nghị xử lý tài chính từ năm 2016 đến nay gần 406 nghìn tỷ đồng.
Thông qua các báo cáo của KTNN về tình hình, kết quả phối hợp giữa KTNN với Cơ quan điều tra và các cơ quan có thẩm quyền trong xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; tình hình giải quyết các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật mà KTNN chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra để đề nghị điều tra, xử lý đã giúp Ban Nội chính Trung ương có thêm thông tin để tham mưu cho Ban Chỉ đạo trong công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo uốn nắn các cấp ủy, tổ chức đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và công tác phát hiện, xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nói riêng. Từ năm 2016 đến nay, KTNN đã chuyển 21 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; 2 vụ việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. KTNN đã nhận được kết quả giải quyết đối với 8 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong số các vụ việc chuyển sang Cơ quan điều tra. Các thông báo kết quả điều tra này đều được gửi cho Ban Nội chính Trung ương.
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nêu rõ, Ban Nội chính Trung ương và KTNN có chung nhiệm vụ là tham mưu cho Đảng, Nhà nước về hoàn thiện thể chế, pháp luật, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính công, tài sản công, ngăn ngừa thất thoát, lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong thời gian qua, việc thực hiện Quy chế phối hợp nhìn chung được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, giúp nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Uy tín của hai cơ quan được nâng cao.
KTNN là một trong những công cụ quan trọng, hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhấn mạnh điều này, Trưởng ban Nội chính Trung ương khẳng định, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, có hiệu quả giữa nội chính, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử nói chung và giữa nội chính với kiểm toán nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Vấn đề quan trọng, cốt lõi để nâng cao hiệu quả phối hợp là phải xuất phát từ mục đích chung là phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; với động cơ trong sáng, tình cảm chân tình, giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan. Đặc biệt, “phải đúng vai, thuộc bài, tránh tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây”; mọi vấn đề vướng mắc phải được bàn bạc, giải quyết triệt để, thấu đáo, hợp lý, hợp tình, có sức thuyết phục, trên tinh thần đồng chí anh em, tuân thủ pháp luật và quy định của Đảng” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính vừa qua.
Về nhiệm vụ, giải pháp phối hợp trong thời gian tới, Trưởng ban Nội chính Trung ương đề nghị cần nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Nhất là phối hợp trong phát hiện, kiến nghị khắc phục những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật, góp phần bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng.
Tăng cường phối hợp tham mưu, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Tập trung phối hợp thực hiện có hiệu quả cơ chế chỉ đạo, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực của Thường trực Ban Chỉ đạo. Đó là, trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay đến cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo pháp luật, không chờ kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án…
Nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Ban Chỉ đạo và của KTNN. Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin giữa hai cơ quan về tham nhũng, tiêu cực…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm chỉ đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội, các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương phải phối hợp chặt chẽ, đoàn kết, thống nhất cao. Trên tinh thần này, Trưởng ban Nội chính Trung ương tin tưởng, trong thời gian tới, công tác phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và KTNN sẽ có những bước tiến mới, hiệu quả hơn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, làm cho Đảng, Nhà nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Tại Hội nghị, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Nội chính Đảng tặng Tổng KTNN Trần Sỹ Thanh; các Phó Tổng KTNN: Vũ Văn Họa, Đặng Thế Vinh, Nguyễn Tuấn Anh, Doãn Anh Thơ, Hà Thị Mỹ Dung; và một số cán bộ của KTNN.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Kiểm toán Nhà nước tặng Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc và các lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương.