Chương trình Nghị sự của hội nghị lần này tương đối dày đặc, tập trung thảo luận về những ưu tiên đã được thông qua tại SOM 1 diễn ra tại TP Nha Trang, Khánh Hòa vào tháng 3 vừa qua. Đó là: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; tăng cường liên kết kinh tế sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong hai ngày diễn ra hội nghị, các quan chức cao cấp nghe báo cáo của các Ủy ban Kinh tế, Ủy ban về Thương mại Đầu tư , Ủy ban Hợp tác Kinh tế Kỹ thuật của APEC và Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC). Nội dung được các nước thành viên APEC cũng như cộng đồng quốc tế quan tâm thảo luận là làm thế nào để tiếp tục ủng hộ cho hệ thống thương mại đa phương, ủng hộ WTO, thúc đẩy triển khai xây dựng Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận một số những lĩnh vực hợp tác khác của các quan chức cao cấp, trong đó có một số các sáng kiến rất quan trọng mà Việt Nam đề xuất như Chương trình hành động về thúc đẩy phát triển bao trùm trong lĩnh vực tài chính kinh tế và xã hội hay là các khuôn khổ về thúc đẩy an ninh khu vực, khuôn khổ thúc đẩy phát triển khu vực nông thôn và thành thị… Đặc biệt, hội nghị trao đổi chuyên đề về quá trình xây dựng Tầm nhìn của APEC sau năm 2020, từ đó vọng sẽ có những quyết định liên quan trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị SOM 2, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, sự kiện này có ý nghĩa quan trọng nhằm thực hiện các ưu tiên đã được thông qua, thúc đẩy các sáng kiến mới, chuẩn bị cho cuộc họp các Bộ trưởng APEC phụ trách thương mại lần thứ 23 (MRT23), chuẩn bị nội dung cho SOM 3 sẽ diễn ra tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 8 tới cũng như khởi động quá trình định hình chương trình nghị sự và xác định các nội dung văn kiện đệ trình các lãnh đạo kinh tế tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017 diễn ra sau đó vào tháng 11.
Song song với Hội nghị SOM 2, Cơ quan Hỗ trợ chính sách APEC (PSU) đã tổ chức họp báo báo cáo về các xu thế ở khu vực APEC, các mặt tốt, xấu và vai trò của chính sách trong toàn cầu hóa. Trong đó, có những điểm đáng chú ý là, mặc dù khái niệm "tính báo trùm" của toàn cầu hóa đã được nêu tại các tuyên bố APEC, mà sớm nhất là tại văn kiện về các Mục tiêu Bogor năm 1994, trong những năm gần đây, các nhà lãnh đạo APEC đã đề cao hơn việc bảo đảm tính báo trùm và bền vững của tăng trưởng khu vực. Các nỗ lực về tăng trưởng chất lượng, cải cách cơ cấu, quốc tế hóa các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và phát triển nhân lực đã được thúc đẩy nhằm chia sẻ rộng rãi các cơ hội và lợi ích của toàn cầu hóa đến mọi thành phần trong xã hội. 5 trong số 10 các nền kinh tế hàng đầu của thế giới về nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2016 là các nền kinh tế thành viên APEC. Tổng nguồn vốn này lên tới 710 tỷ USD, tương đương với 46,7% tổng lượng FDI toàn cầu năm 2016. Dự báo GDP của APEC về ngắn hạn, trong giai đoạn 2017 - 2018, sẽ tăng cao hơn, đạt mức 3,8%, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu. Tăng trưởng của khu vực APEC năm 2019 dự kiến đạt 3,7%, bằng mức tăng trưởng toàn cầu…Ngoài ra, một cuộc thi phát triển phần mềm APEC (APEC App Challenge) cũng diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị SOM 2 với chủ đề "Thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) vào thương mại quốc tế”. Cuộc thi sẽ diễn ra trong vòng 24 giờ và Ban Tổ chức dự kiến sẽ trao giải cho người thắng cuộc vào sáng 19.5.