Giữ vững nguyên tắc đối ngoại, sáng tạo, linh hoạt trong hành động, đặt lợi ích Quốc gia, nhân dân lên trên hết, trước hết
Lược ghi phát biểu củaỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ tại cuộc gặp mặt Đại sứ, Trưởng các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài
Ngành Ngoại giao nước ta rất tự hào về bề dày lịch sử truyền thống vẻ vang, luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là sự kế thừa truyền thống ngoại giao đầy hào khí của cha ông: giàu tính nhân văn, hoà hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa, cùng với việc phát huy tư tưởng ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh: luôn kiên trì về nguyên tắc giữ vững độc lập, tự cường, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, đồng thời rất chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong ứng xử đối ngoại, tìm đúng vấn đề, xác định đúng đối tượng, chọn trúng thời cơ để tạo đột phá đối ngoại, "tăng thêm thế, mạnh thêm lực" cho đất nước. Đặc biệt trong tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng công tác đối ngoại đã đạt nhiều thành tựu cả về song phương và đa phương, giữ vững môi trường hòa bình cho phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng…
Tại Hội nghị Ngoại giao 32 ngày 19.12.2023, khi nhìn lại 3 năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá rất cao các hoạt động đối ngoại “đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước”. Đây là những đánh giá rất khái quát, rất cao của Tổng Bí thư dành cho ngành ngoại giao.
Thay mặt Lãnh đạo Quốc hội Việt Nam, tôi chúc mừng và biểu dương những kết quả tích cực của công tác đối ngoại, trong đó có những đóng góp quan trọng của các đồng chí đang có mặt tại đây. Mong các đồng chí tiếp tục phát huy hơn nữa trong thời gian tới, phấn đấu hết sức mình để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, trọng trách được Đảng, Nhà nước giao phó.
Hòa chung trong thành tựu đối ngoại của cả nước, hoạt động đối ngoại của Quốc hội thời gian qua không chỉ diễn ra sôi động mà còn được nâng lên về chất, như đánh giá của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các Đại sứ là "đã phát huy mạnh mẽ nét đặc trưng - vừa mang tính đối ngoại Nhà nước, vừa mang tính Nhân dân sâu sắc". Hoạt động đối ngoại của Quốc hội, nhất là của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội, đã đưa ngoại giao nghị viện trở thành một kênh chính trị đối ngoại quan trọng hàng đầu và là nguồn sức mạnh thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, nâng cao vị thế quốc tế của quốc gia, nhất là về chính trị - ngoại giao, kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ…, tranh thủ nguồn lực bên ngoài để kiểm soát đại dịch Covid-19, mở rộng hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư…
Trong ngoại giao nghị viện đa phương, Quốc hội ta đã tham gia tích cực, chủ động với tâm thế sẵn sàng “đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung” và “khởi xướng, dẫn dắt” các sáng kiến mới tại các diễn đàn liên nghị viện quốc tế, khu vực như IPU, AIPA... Điển hình gần đây là Quốc hội đã tổ chức rất thành công Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, thu hút hơn 500 đại biểu đến từ khoảng 70 nước, với sáng kiến và dấu ấn quan trọng là lần đầu tiên ra Tuyên bố Hội nghị. Hay Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam vừa được tổ chức tại Lào, lần đầu tiên chúng ta đã hoàn chỉnh 3 đỉnh tam giác của cơ chế hợp tác 3 nước, chúng ta cũng đã tham gia, phối hợp chặt chẽ với Quốc hội Lào để tổ chức Hội nghị này.
Tại Hội nghị Ngoại giao 32, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu toàn diện, sâu sắc về các định hướng chiến lược, những nhiệm vụ, giải pháp đối với công tác đối ngoại trong thời gian tới nhằm triển khai thắng lợi các chủ trương, đường lối đối ngoại mà Đại hội XIII đã đề ra. Các đồng chí cũng đã lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã phát biểu chỉ đạo về một số nhiệm vụ của ngành ngoại giao, nhất là về ngoại giao phục vụ phát triển. Hôm nay, tôi muốn trao đổi, nhấn mạnh một số nội dung lớn về tổng thể công tác đối ngoại của đất nước và sự gắn kết của công tác đối ngoại nghị viện.
Một là, trong bối cảnh phát triển đất nước ta đang đan xen giữa nhiều thời cơ, thuận lợi và nhiều khó khăn, thách thức mới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, phát triển vượt bậc của cách mạng công nghiệp 4.0... song tính bất định, khó lường ngày càng tăng...
Trước tình hình đó, trước hết tất cả các cán bộ đối ngoại phải nắm vững Nghị quyết Đại hội XIII về "Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại". Nhiệm vụ hàng đầu là phải tiếp tục gìn giữ và củng cố môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, hướng tới 2 mục tiêu 100 năm vào năm 2030 và năm 2045. Để làm tốt nhiệm vụ đó, cần phải không ngừng đổi mới, sáng tạo và linh hoạt trong tư duy đối ngoại, trong phương cách triển khai, với tư duy mới, cách làm mới.
Tư duy mới đó là cách tiếp cận toàn cầu, đa phương và liên ngành, trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Cần tiếp tục phát huy trường phái đối ngoại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đó là: kiên định về lập trường, nguyên tắc, mục tiêu chiến lược, song linh hoạt, sáng tạo, mềm dẻo trong sách lược, cách thức triển khai, luôn cân bằng, hài hòa trong quan hệ với các đối tác, nhất là các cường quốc; bảo đảm lợi ích quốc gia phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi...
Cách làm mới là phải chủ động hướng đi mới vào các lĩnh vực tiềm năng mới và đối tác mới để củng cố, phát triển mạng lưới quan hệ với các đối tác ngày càng bền vững, thực chất. Với tư duy mới và phương cách mới, chúng ta có thể chuyển hóa các thách thức thành cơ hội và lợi thế để nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của đất nước.
Hai là, tôi mong các đồng chí tham gia triển khai kênh đối ngoại Quốc hội đồng bộ với tất cả các kênh khác, tạo nên sức mạnh đối ngoại tổng hợp của quốc gia, đồng thời tiếp tục vun đắp quan hệ giữa Quốc hội ta với cơ quan lập pháp nước sở tại, quan hệ tốt đẹp với các Liên minh Nghị sỹ hữu nghị, cá nhân các Nghị sỹ có uy tín..., coi đó như là “vốn chính trị” của chúng ta trong quan hệ với nước sở tại. Phát huy thế mạnh của kênh đối ngoại Quốc hội, là đại diện cho người dân, đẩy mạnh kết nối giao lưu “mềm” về văn hóa, xã hội, giáo dục, thanh niên, du lịch...; kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, người dân với người dân và địa phương với địa phương; lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh của Việt Nam đến với khu vực và quốc tế.
Kênh đối ngoại Quốc hội cần gắn với triển khai nhiều khuôn khổ hợp tác mớixác lập gần đây, như Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) tại COP26. Thời gian tới, cần chú trọng thúc đẩy công tác ngoại giao kinh tế, xác định đây là nhiệm vụ trung tâm, là động lực quan trọng để phát triển, trên tinh thần “lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ” như Chỉ thị 15 - CT/TW ngày 10.8.2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 đã đề ra. Trong điều kiện hiện nay cần đa dạng hoá thị trường, bên cạnh các thị trường truyền thống cần mở rộng các thị trường mới, hình thành các chuỗi cung ứng mới, chiến lược, có giá trị gia tăng cao, hợp tác trên tinh thần hai bên cùng thắng.
Ba là, xây dựng nền ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại. Đây là yêu cầu vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược đối với công tác đối ngoại và là xu thế tất yếu của nền ngoại giao thế giới trong thời đại số. Quốc hội và Lãnh đạo Quốc hội sẽ tiếp tục dành ưu tiên cao cho ngành ngoại giao khi xem xét, quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền, phấn đấu làm cho “diện mạo” đối ngoại chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, sự quan tâm, coi trọng mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội chỉ mới là điều kiện đủ, điều kiện cần chính là nỗ lực tự thân của ngành Ngoại giao, đặc biệt là trách nhiệm nêu gương của tập thể Lãnh đạo ngành Ngoại giao và của từng đồng chí Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tại nơi xa Tổ quốc, mỗi đồng chí Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện phải là “cánh chim đầu đàn” đoàn kết cùng tập thể cơ quan, đơn vị rèn luyện đạo đức, ý chí, bản lĩnh chính trị, trung thành với Tổ quốc, giữ “vững nguyên tắc” đối ngoại của Đảng, Nhà nước, luôn nắm “chắc chuyên môn” để sáng tạo, linh hoạt trong hành động, đặt lợi ích của quốc gia, của nhân dân lên trên hết, trước hết.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm, chú trọng việc cải thiện cơ sở vật chất của Đại sứ quán, Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài và nâng cao chế độ, điều kiện sinh hoạt cho cán bộ, nhân viên. Tôi biết ở nhiều nơi điều kiện vẫn còn rất khó khăn nhưng các Đồng chí vẫn nỗ lực hết sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi chia sẻ và đánh giá rất cao điều này.
Bốn là, chủ động triển khai chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương, đặc biệt là trong khuôn khổ ASEAN - AIPA và Liên hợp quốc - Liên minh Nghị viện thế giới IPU; sẵn sàng “khởi xướng, dẫn dắt” về những vấn đề mà Việt Nam có thế mạnh, có kinh nghiệm, như xóa nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, bình đẳng giới, y tế...; vai trò “hòa giải” về giữ gìn hòa bình và an ninh quốc tế...
Triển khai Kế hoạch Việt Nam đăng cai tổ chức các hội nghị đa phương cấp cao đến năm 2030, bao gồm các hoạt động nghị viện đa phương; đề nghị các đồng chí Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện phối hợp chặt chẽ với sở tại để làm tốt nhiệm vụ này.
Năm là, đóng góp vào xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền. Thời gian qua, Quốc hội đã nỗ lực làm tốt công tác lập pháp, giám sát hoạt động của Nhà nước; triển khai kịp thời công tác phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của các điều ước quốc tế; thông qua nhiều quyết sách quan trọng về đối ngoại. Tuy nhiên, các nước đều đang đẩy mạnh điều chỉnh chiến lược, chính sách; nhiều khuôn khổ, cơ chế hợp tác mới đang được hình thành. Đề nghị các đồng chí Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện đẩy mạnh công tác nắm bắt thông tin, đánh giá về các chiều hướng vận động mới trong chính sách và quan hệ giữa các nước lớn, các nước láng giềng, khu vực; các xu hướng chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, vấn đề mới đang nổi lên trong quan hệ quốc tế; dư luận của sở tại về chính sách, pháp luật của Việt Nam; các kinh nghiệm tốt về hoạt động nghị viện của các nước, để tham mưu cho Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội trong điều chỉnh chính sách...
Sáu là, phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân như tinh thần của Nghị quyết số 43 vừa được thông qua. Các đồng chí đã làm tốt, tổ chức được nhiều hoạt động gắn kết bà con với quê hương, đất nước, đã huy động được nhiều nguồn kiều hối, năm 2022 là 19 tỷ USD, Việt Nam nằm trong top 10 thế giới về huy động kiều hối. Việc bảo hộ công dân, bảo đảm tính mạng của bà con ở các địa bàn có nhiều thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, chiến tranh cũng được tiến hành kịp thời, hiệu quả. Vừa qua chúng ta đã làm tốt công tác này, thời gian tới phải tiếp tục làm tốt hơn nữa. Dù khó, nhưng phải làm sao để nhân rộng mô hình cộng đồng người Việt được công nhận là dân tộc thiểu số như ta đã làm được với Séc và Slovakia, để ngày càng có nhiều đồng bào ta được hưởng các điều kiện thuận lợi. Phát huy tốt hơn nữa trí lực, nguồn lực của cộng đồng hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là các nhà khoa học, giáo sư, chuyên gia công nghệ cao…
Quốc hội Khóa XV đã đi qua gần nửa nhiệm kỳ. Trong số hơn 100 đề án, chương trình, kế hoạch lớn, nhiều nhiệm vụ đã được hoàn thành. Thời gian tới, tôi và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ luôn đồng thành cùng các đồng chí đưa đối ngoại của đất nước đạt những thành tựu mới, góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Nhân dịp này, tôi trân trọng cảm ơn Bộ Ngoại giao, các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện, đã phối hợp chặt chẽ, hết mình, rất hiệu quả trong thời gian qua, đóng góp rất tích cực vào thành tích công tác đối ngoại của Quốc hội. Chúc ngành ngoại giao tiếp tục đạt nhiều thành công mới, quyết tâm xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc - trường phái ngoại giao "Cây tre Việt Nam". Chúc các đồng chí đạt được những thành công mới trong những trọng trách mà Đảng và Nhà nước đã giao phó.
* Đầu đề do Báo Đại biểu Nhân dân đặt
Phạm Thúy lược ghi
Trình bàyDuy Thông