10 công đoạn công phu
“Người Nùng An từ khi sinh ra đã cần giấy bản để làm lễ đầy tháng, lớn lên cần giấy cho thầy cúng viết ngày lành tháng tốt làm đám cưới, hay làm lễ cấp sắc sau khi lập gia đình, rồi giấy làm vàng mã tưởng nhớ người đã khuất…” - bà Nông Thị Kính, làng làm giấy bản Dìa Trên, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, Cao Bằng chia sẻ.
Từ bao đời nay, giấy bản luôn được người Nùng An trân trọng, truyền thống làm giấy cũng được làng Dìa Trên gìn giữ. Làng có hơn 60 hộ dân, thì trên 40 hộ vẫn làm giấy bản.
Nghề làm giấy được truyền lại từ bao đời nay, không ai rõ có từ khi nào. Tuy nhiên, các công đoạn chính để làm giấy vẫn đang được thực hiện hoàn toàn thủ công theo cách truyền thống. Theo các nghệ nhân làm giấy trong làng, để làm ra 1 tờ giấy bản, cần thực hiện khoảng 10 công đoạn với không ít thời gian, công sức.
Nguyên liệu chính để làm giấy là vỏ cây mạy sla (cây dướng) - loại cây sẽ cho ra những tấm giấy mịn, dai, bền. Đồng bào Nùng lên rừng tước vỏ mạy sla đem về cho vào nồi lớn đun sôi trong khoảng 2 giờ, vớt ra để nguội, tước bỏ đi lớp vỏ đen sần sùi bên ngoài, để sau khi làm giấy có màu sáng đẹp. Lớp vỏ trắng bên trong nếu chưa dùng ngay được phơi khô, cất trên gác bếp làm nguyên liệu quanh năm.
Bà Nông Thị Kính cho biết, có nhiều công cụ được sử dụng để làm giấy bản: thớt và thanh đập; khuôn vắt; đá ép giấy, nồi (chảo) nấu nguyên liệu. Nhiều gia đình trong làng có bể làm giấy hàng trăm năm tuổi được làm từ thân cây gỗ to và gia cố bằng đất sét...
Khi làm giấy, lớp vỏ cây trắng được đem trộn với vôi tôi và cho vào nồi ninh khoảng 3 giờ. Lớp vôi tôi làm vỏ cây nhanh nhừ, giúp lớp bột giấy trắng hơn. Tiếp đó, vỏ cây được rửa sạch, ngâm ngoài mương nước 1 ngày, trước khi mang về nhà đập nhuyễn thành bột. Bột này được cho vào bể nước làm giấy, pha thêm chất làm trơn lấy từ cây dây trơn (khủa háo), rồi khuấy mạnh để lớp bột tan ra, tạo hỗn hợp có độ sánh. Phụ nữ Nùng An dùng khung tre lần lượt vớt từng lớp giấy mỏng, xếp lên thành tập, rồi dùng những hòn đá nặng ép hết nước.
Đồng bào tận dụng mọi mặt phẳng để phơi giấy. Giấy bản khi còn ướt được nhẹ nhàng gỡ từng tờ, dán lên bức vách hoặc tường trước cửa nhà. Tùy thời tiết mà giấy khô nhanh hay chậm. Nắng ráo thì chỉ khoảng một buổi đã phơi xong mẻ giấy...
Đem lại thu nhập ổn định
Giấy bản của đồng bào Nùng An có màu trắng và mùi thơm đặc trưng của cây rừng và nước vôi. Với cách làm thủ công truyền thống, nếu bảo quản tốt, giấy có thể tồn tại vài chục năm. Ngoài đặc tính dai xốp, không nhòe khi viết, vẽ, ít bị mối mọt hoặc giòn gẫy, ẩm nát, do được làm hoàn toàn từ các thành phần tự nhiên, không dùng hóa chất, giấy thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Hiện nay, giấy bản được làm với các kích cỡ khác nhau, kích thước lớn phục vụ thầy cúng viết chữ, ghi chép tư liệu, dán bàn thờ, trang trí trong nhà; kích thước nhỏ làm vàng mã... Đồng bào Nùng An tâm niệm rằng thế giới thần linh và ông bà tổ tiên chỉ đón nhận tấm lòng của họ khi tiền vàng mã được làm từ giấy bản và thắp bằng nén hương Phja Thắp.
Giấy bản làm ra không chỉ phục vụ nhu cầu trong tỉnh Cao Bằng. Khi tỉnh triển khai dự án "Tăng cường sinh kế cho người dân tộc thiểu số thông qua du lịch cộng đồng tại tỉnh Cao Bằng", nhiều du khách đã biết tới giấy bản và đến tham quan, trải nghiệm những cơ sở làm giấy bản tại địa phương. Gần đây, giấy bản làm theo phương pháp thủ công được khách du lịch yêu thích. Đồng bào Nùng sử dụng các loại cây quả để nhuộm giấy có màu sắc rực rỡ, làm sản phẩm từ giấy như quạt giấy, sổ ghi chú, giấy vẽ tranh... đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Nghề làm giấy bản khá vất vả bởi trải qua nhiều công đoạn. Tuy nhiên, làm giấy bản không mất nhiều vốn, cũng không gây ô nhiễm môi trường. Sau khi chặt cây mạy sla, tước lấy vỏ, đồng bào còn tận thu thân cây làm chất đốt, lá cây dùng để chăn nuôi trâu, bò… Vì thế, cứ đến tháng 2 - 7 hàng năm, dân làng sẽ tập trung đi tước vỏ cây mạy sla làm giấy,
Trung bình một mẻ giấy bản dùng chừng 30 - 40kg nguyên liệu, làm ra được từ 400 - 500 tờ. Nghề làm giấy bản đang được người Nùng An duy trì, đem lại thu nhập ổn định. Nhiều hộ gia đình nhờ làm nghề giấy bản đã mua sắm được nhiều trang thiết bị, máy móc, công cụ sản xuất phục vụ đời sống, xóa nghèo. Nhờ đó, đời sống đồng bào được cải thiện, có điều kiện giao lưu, trao đổi với thế giới bên ngoài, để thấy rõ giá trị của nghề truyền thống dân tộc cần được giữ gìn, phát triển.