Trưởng ban Quản trị nguồn nhân lực Petrovietnam Phan Anh Minh cho biết, chuyển dịch năng lượng đang là xu hướng tất yếu của phát triển năng lượng bền vững trong tiến trình hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính bằng 0. Do đó, việc đào tạo và nâng tầm kỹ năng cho nguồn nhân lực là tất yếu, giúp ổn định công việc hiện tại và thích ứng với các công việc mới trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo chiếm hơn 75% tổng nguồn năng lượng vào năm 2045. Đến năm 2030, Việt Nam dự kiến cần khoảng 1,9 triệu lao động, tạo ra khoảng 315.000 việc làm cho quá trình chuyển đổi năng lượng ở các lĩnh vực điện mặt trời, điện gió… Đối với ngành dầu khí, chuyển dịch năng lượng có thể khiến các doanh nghiệp trong ngành gặp nhiều thách thức khi phải giữ chân và nâng cao năng lực cho người lao động, để đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ chuyển dịch năng lượng.
Những năm gần đây, công tác đào tạo của Petrovietnam đã tập trung vào việc nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực quản lý và lãnh đạo nguồn nhân lực. Qua đó, bảo đảm duy trì, phát triển ổn định nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong năm 2023, Petrovietnam đã thực hiện đào tạo cho khoảng 140.000 người (tương đương 2,9 lượt/người/năm) với các chương trình liên quan đến chuyển dịch năng lượng, năng lượng tái tạo.

Tiếp nối trong năm 2024, hội thảo "Xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển năng lượng bền vững" được tổ chức nhằm nhấn mạnh nguy cơ, thách thức, cơ hội để đưa ra những giải pháp trong công tác đào tạo - phát triển và thu hút nhân tài, với mục đích đánh giá thực trạng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của Petrovietnam giai đoạn 2020 - 2023; chia sẻ về nhu cầu và xu hướng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ dầu khí và năng lượng tái tạo.
Tại chương trình hội thảo, các đơn vị thuộc 3 lĩnh vực thăm dò - khai thác dầu khí, chế biến dầu khí - điện và lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí đã chia sẻ, trình bày các tham luận về nhiều chủ đề. Thành viên HĐTV Petrovietnam Bùi Minh Tiến trình bày tham luận về "Coaching - công cụ hữu hiệu để phát triển nhân viên và xây dựng văn hóa hiệu quả tại doanh nghiệp"; đại diện Ban Quản trị nguồn nhân lực Petrovietnam trình bày tham luận về "Xu hướng đào tạo phát triển trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng quốc tế và những đề xuất đối với công tác phát triển nguồn nhân lực của Petrovietnam".
Các tham luận đưa ra một số giải pháp để góp phần xây dựng nguồn nhân lực như phát hiện và quy hoạch đội ngũ người lao động chất lượng; triển khai và đào tạo chuyên sâu cho nguồn nhân lực; đánh giá và bổ nhiệm đúng với năng lực; có các chế độ đãi ngộ phù hợp, xứng đáng và có lộ trình phát triển nghề nghiệp; phối hợp sử dụng nguồn lực các đơn vị trong ngành; áp dụng văn hóa doanh nghiệp…

Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đánh giá cao công tác tổ chức và những tham luận, chia sẻ đã trình bày tại hội thảo. Chủ tịch HĐTV Petrovietnam yêu cầu, trong công tác phát triển nguồn nhân lực, nhiệm vụ số 1 là cần xác định mục tiêu và hoạch định chiến lược phát triển. Thứ 2 là tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện hệ thống đào tạo nguồn nhân lực; thứ 3 là xây dựng cơ sở dữ liệu tri thức ngành; thứ 4 là xây dựng và tổ chức hệ thống các loại hình đào tạo; thứ 5 là tập trung khắc phục bất cập và cập nhật công tác đào tạo.
"Để tiếp tục xây dựng nguồn nhân lực chất lượng, vững mạnh, cần xem lại những công tác đã làm được và chưa làm được. Bên cạnh đó, nhận diện những khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai; xác định áp lực, động lực để quản lý công tác phát triển nguồn nhân lực của Petrovietnam. Mong rằng, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực sẽ phát triển, tiếp tục giúp cho Petrovietnam tăng trưởng bền vững" - Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.