Một số quan điểm của đồng chí trong một số bài viết về xây dựng Nhà nước ta đã công bố cách đây gần 30 năm được hệ thống trong cuốn sách này đến nay vẫn còn nguyên giá trị[1]. Gần đây, hệ thống các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết, nêu ra trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII ngày 9.10.2022 như sau[2]:
Một là, kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; bảo đảm sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn giữa Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa thực hành dân chủ XHCN và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị; phải đặt trong tổng thể công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hai là, thực hiện nhất quán nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp chịu sự giám sát của Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Ba là, bảo đảm yêu cầu thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật; đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức xã hội chủ nghĩa; thể chế hóa kịp thời, đầy đủ và tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương, nghị quyết của Ðảng. Con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Bốn là, bám sát thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại, kế thừa những thành tựu đã đạt được, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế; bảo đảm cao nhất lợi ích của quốc gia - dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và chế độ XHCN.
Năm là, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa đổi mới lập pháp, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; tiến hành khẩn trương, nhất quán, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình và bước đi vững chắc. Những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã đủ rõ, chín muồi, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện; những vấn đề chưa đủ rõ, chưa chín, còn nhiều ý kiến khác nhau thì khẩn trương nghiên cứu, thí điểm thực hiện, tổng kết thực tiễn để làm rõ, từng bước hoàn thiện, mở rộng; những chủ trương đã thực hiện, nhưng thực tiễn khẳng định là không phù hợp thì nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi kịp thời. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kiên trì, hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm công tác kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước. Từ 30 năm trước và hiện nay đồng chí luôn nhấn mạnh nhiệm vụ củng cố, giữ vững chính quyền, tăng cường sức mạnh của chính quyền về mọi mặt và coi đó là công việc có ý nghĩa sinh tử, hệ trọng[3].
Về xây dựng và kiện toàn bộ máy nhà nước ở nước ta hiện nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trước mắt cần tập trung thực hiện một số chủ trương và nhiệm vụ quan trọng sau đây: Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, nâng cao hơn nữa chất lượng của công tác lập pháp; cải cách nền hành chính nhà nước; đổi mới tổ chức và hoạt động của tòa án và các cơ quan tư pháp; phát huy vai trò và quyền làm chủ của Nhân dân; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.
Trong đó đặt trọng tâm vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện nghiêm pháp luật; cải cách nền hành chính nhà nước, nhằm xây dựng một nền hành chính trong sạch, có đủ năng lực, sử dụng đúng quyền lực và từng bước được hiện đại hóa để thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng; sự quản lý có hiệu lực và hiệu quả cao công việc của Nhà nước; phục vụ đắc lực đời sống Nhân dân, xây dựng nếp sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; thúc đẩy tiến trình đổi mới, phát triển, thực hiện bằng được mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Các quan điểm về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và định hướng yêu cầu, nội dung đổi mới tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong Nhà nước pháp quyền ở nước ta trong các thời kỳ được hệ thống, tổng hợp trong cuốn sách này là sự đúc kết lý luận, tổng kết sâu sắc thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam qua kết quả nghiên cứu dày công, tâm huyết, trách nhiệm của người lãnh đạo hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
Cuốn sách là tài liệu rất quý, rất giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn. Đọc cuốn sách giúp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, Nhân dân hiểu rõ hơn quan điểm, định hướng, nhiệm vụ và quyết tâm xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Hiện nay, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đang triển khai nhiều nhiệm vụ khoa học nghiên cứu về nhà nước pháp quyền, về thực hành dân chủ XHCN, về quyền con người, tổ chức bộ máy nhà nước, kiểm soát quyền lực nhà nước… Cuốn sách cuốn hút các nhà nghiên cứu của chúng tôi với sự quan tâm, tham khảo và trân trọng đón nhận.
___________
[1] Xem trang 96-102 của cuốn sách về các quan điểm cơ bản cần nắm vững và quán triệt trong quá trình xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước.
[2] Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII ngày 9.10.2022, được tổng hợp tại trang 110-111 của cuốn sách.
[3] Xem bài đăng trên Tạp chí Cộng sản tháng 3.1995 của đồng chí Nguyễn Phú Trọng “Xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa thật sự của dân, do dân và vì dân”, được tổng hợp tại trang 91 của cuốn sách và phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII ngày 3.10.2022, được tổng hợp tại trang 103-104 của cuốn sách này.