Đời sống tinh thần đơn điệu, thiếu thốn
Chị Huỳnh Thị Hoa (29 tuổi) cùng chị Lưu Vân Anh (31 tuổi) chung một phòng trọ, cùng từ Cao Bằng xuống Hà Nội làm việc. Hàng ngày, ngoài 10 tiếng làm việc trong nhà máy, sinh hoạt của 2 nữ công nhân chỉ quanh quẩn trong phòng trọ với việc ăn, ngủ, tắm giặt...
Chia sẻ với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, chị Lưu Vân Anh cho biết, quay trở lại Hà Nội làm việc sau đợt về quê để tránh dịch Covid-19, cuộc sống của chị vẫn gắn chặt với căn phòng trọ chật hẹp và chiếc điện thoại giúp chị tìm kiếm thông tin, giao lưu, kết nối bạn bè… Những khi không tăng ca, chị lại ghé chợ mua ít đồ ăn về tự chế biến, tắm giặt rồi tranh thủ lướt Facebook và đi ngủ.
“Ngày nào cũng giống ngày nào thôi, những khi không tăng ca thì còn ghé mua đồ nấu ăn uống, trò chuyện cùng chị em trong dãy trọ, còn tăng ca về đến phòng là rã rời không muốn đi đâu. Rảnh rỗi thì tôi lên mạng, xem phim, nghe nhạc trên điện thoại” - chị Vân Anh bộc bạch.
Cũng như chị Vân Anh, điện thoại có kết nối internet dường như trở thành phương tiện giải trí duy nhất đối với công nhân lao động. Xem phim rạp, đọc sách hay tham gia các chương trình văn hóa, văn nghệ, thể thao dường như trở thành “xa xỉ” đối với một bộ phận không nhỏ công nhân lao động hiện nay.
Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu đời sống văn hoá, tinh thần càng trở nên cần thiết và nó có khả năng tái tạo sức lao động, tăng cường khả năng sáng tạo của mỗi công nhân. Thế nhưng, thực tế đời sống văn hóa tinh thần của người lao động vẫn còn rất đơn điệu, thiếu thốn.
Thực tế cho thấy, internet, sự phát triển của mạng xã hội đã mở ra cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức, giải trí, kết bạn… dễ dàng, song cũng phát sinh nhiều vấn đề nếu mỗi người không được trang bị kiến thức, kỹ năng khi sử dụng mạng xã hội. Trong khi đó, đa phần công nhân lao động có độ tuổi trẻ, nhu cầu thụ hưởng văn hóa, vui chơi, giải trí cao. Dành nhiều thời gian giải trí trên mạng, nhiều công nhân lao động đã bị vướng vào những vụ lừa đảo, “tín dụng đen”, vi phạm pháp luật hay phổ biến nhất là tình trạng bình luận, chia sẻ những thông tin sai trái, độc hại.
Bố trí nguồn lực chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân
Một khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho thấy, hơn 60% công nhân ở các khu công nghiệp không xem ti vi, nghe đài; 85% không đọc sách, báo; 80% không tập thể dục, thể thao thường xuyên; 65% không tham gia vào các hoạt động văn nghệ quần chúng.
Việc chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động nhằm giúp họ càng thêm gắn bó với doanh nghiệp. Điều này không chỉ tạo sự bền vững cho doanh nghiệp mà còn thể hiện việc thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Để thực hiện được mục tiêu, bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện các chủ trương, chính sách về phát triển đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho người lao động thì các chủ doanh nghiệp cũng cần phải có chính sách quan tâm, chăm lo cho người lao động.
Tại các khu công nghiệp của Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có trên 70.000 lao động, trong đó có tới hơn 70% là lao động ở ngoài tỉnh. Trong số này, ngoài một số ít lao động kỹ thuật cao có cuộc sống khá, đại đa số là những lao động nghèo đến Bà Rịa - Vũng Tàu mưu sinh, mong đủ kiếm sống và tích góp để gửi về quê phụ giúp gia đình. Cường độ làm việc tại các doanh nghiệp rất cao, thời gian chặt chẽ chủ yếu theo ca nên việc tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao cho công nhân hết sức khó khăn. Theo thống kê của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chỉ có khoảng 10% trong tổng số gần 12.000 doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng được các công trình văn hóa, thể thao, giải trí phục vụ công nhân.
Mặt khác, công nhân cũng chưa tìm được điểm vui chơi giải trí phù hợp với mình vì thiếu vắng các thiết chế văn hóa công lập, trong khi các điểm vui chơi văn hóa giải trí mang nặng tính dịch vụ lại thường dành cho đối tượng thu nhập cao.
Cũng theo khảo sát này, thực trạng kinh tế eo hẹp, thời gian làm việc kéo dài, loại hình giải trí nghèo nàn, thiếu thiết chế văn hóa cơ bản khiến cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất không có điều kiện để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần dẫn tới hệ lụy là 28% công nhân có xu hướng và lối sống buông thả, thực dụng; 22% sống ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân... Đây là những con số cho thấy, vẫn cần nhiều hơn nữa những cố gắng chăm lo cho đời sống lao động.
Ở một khía cạnh khác, đối với những công nhân lao động xa quê, nhà trọ chính là nơi đi về, nghỉ ngơi, ăn uống và sinh hoạt. Thế nhưng, nhiều nhà trọ hiện nay tại các địa phương lại chưa đạt chuẩn, điều kiện sống tối thiểu vẫn chưa bảo đảm, chưa nói đến yếu tố tinh thần, đời sống văn hóa.