Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn lao động
Theo kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam (PCI) dành cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2022 (gọi tắt là PCI - FDI 2022), chất lượng nguồn lao động là một chỉ số quan trọng mà chính quyền các tỉnh, thành phố cần đặc biệt quan tâm trong thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp. Các doanh nghiệp FDI cũng khá lạc quan về chất lượng và sự cải thiện chất lượng lao động các tỉnh trong tương lai.
Thời gian qua, do dịch bệnh, lao động bỏ việc cộng với phải gia tăng chi phí tiền lương, chi phí đào tạo để giữ chân người lao động gây khó các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI vẫn mong muốn duy trì bộ máy nhân sự ổn định, vì vậy nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào các chương trình đào tạo cho lao động nhằm phục vụ các đơn hàng lớn, dài hạn. Một tín hiệu đáng mừng là các doanh nghiệp FDI tỏ ra khá lạc quan về chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai. Đánh giá về chất lượng giáo dục phổ thông và chất lượng dạy nghề ngày càng tích cực. Cụ thể, các doanh nghiệp FDI đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông đạt mức 4,5 điểm và dạy nghề là 4,4 điểm. Dù các đánh giá của doanh nghiệp FDI là tích cực hơn hẳn so với năm 2018 song mức độ cải thiện chất lượng lao động nhìn chung có vẻ chậm lại trong vài năm gần đây.
Tuy nhiên, kết quả điều tra PCI - FDI 2022 cũng cho thấy vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện chất lượng lao động ở các tỉnh. Có tới 54% doanh nghiệp FDI đánh giá chất lượng lao động chỉ đáp ứng nhu cầu ở mức trung bình. Khoảng 1/3 doanh nghiệp FDI đánh giá chất lượng lao động đáp ứng phần lớn nhu cầu của doanh nghiệp. Chỉ có 9% doanh nghiệp FDI hoàn toàn hài lòng với chất lượng nguồn nhân lực, giảm so với mức 15% năm 2021.
Để Việt Nam có thể duy trì vị thế điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài, việc nâng cao chất lượng lao động là cấp thiết để năng suất lao động của Việt Nam bắt kịp với tốc độ tăng của tiền lương. Theo kết quả Điều tra PCI - FDI 2022, có 33,7% doanh nghiệp FDI cho rằng chi phi lao động tăng nhanh hơn mức tăng năng suất lao động trong năm 2021…
Khó tuyển dụng, khó giữ chân
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp FDI vẫn gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự chất lượng cao, lao động có năng suất cao. Nếu như trong năm 2021 có tới 62% doanh nghiệp FDI cảm thấy “dễ dàng” hoặc “rất dễ dàng” tuyển dụng lao động phổ thông có tay nghề thấp, một phân khúc thường có nguồn cung dồi dào trên thị trường thì con số này giảm xuống chỉ còn 49% trong năm 2022. Rất nhiều công nhân đã bỏ việc tại các khu công nghiệp về quê do không thể chống chọi với các tác động của đại dịch và chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ ở những thành phố lớn. Da giày và may mặc là các ngành đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung lao động phổ thông trầm trọng nhất.
Sự thiếu hụt nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu tại địa phương dẫn đến sự gia tăng nhu cầu tự đào tạo lao động của các doanh nghiệp FDI. Báo cáo PCI 2021 đã từng ghi nhận hiện tượng các doanh nghiệp FDI tăng mức chi phí cho đào tạo lao động. Năm 2020, tính trung bình chi phí đào tạo lao động chiếm 4,77% tổng chi phí hoạt động của doanh nghiệp FDI. Con số này tăng lên 5,69% vào năm 2021 và 5,85% vào năm 2022.
Cán bộ quản lý, giám sát và kỹ thuật là một số ví dụ về vị trí công việc đòi hỏi năng suất cao. Nhiều năm nay, doanh nghiệp FDI thường gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động địa phương cho các vị trí quản lý. Thực tế này vẫn không có sự thay đổi trong năm 2022. 42% doanh nghiệp FDI tham gia khảo sát cho biết tìm kiếm nhân sự cho vị trí giám đốc điều hành là “khó” hoặc “rất khó”, trong khi 30% doanh nghiệp FDI có cùng đánh giá khi tìm tuyển dụng vị trí quản lý, giám sát. Vị trí cán bộ kỹ thuật cũng khó tuyển dụng. Có tới 54% doanh nghiệp FDI phản hồi việc tuyển dụng nhân viên kỹ thuật là “khá khó khăn” và 22% doanh nghiệp FDI thậm chí đánh giá việc này là “khó” hoặc “rất khó”.
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gặp trở ngại không chỉ trong việc tuyển dụng lao động mà còn trong cả việc giữ chân những lao động đã qua đào tạo. Sự ổn định của lực lượng lao động đóng vai trò rất quan trọng để doanh nghiệp có thể vận hành hiệu quả. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động đã được đào tạo tiếp tục làm việc từ một năm trở lên tại khối doanh nghiệp FDI đã giảm đáng kể trong hai năm qua, từ mức 66% vào năm 2020 xuống còn 60% năm 2021 và 55,9% trong năm 2022.
Mặt khác, điều tra PCI - FDI 2022 cho thấy, thời gian trung bình một lao động gắn bó với doanh nghiệp là từ một đến ba năm, theo phản hồi của gần ½ doanh nghiệp FDI. Lao động ở một số doanh nghiệp FDI khác có thời gian làm việc trung bình dài hơn, từ 3 đến 5 năm (29% doanh nghiệp FDI) và từ 5 năm trở lên (18%). Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, việc giữ chân lao động trở nên khó khăn hơn. Sau dịch, các công nhân, đặc biệt là những người lớn tuổi, ít quan tâm đến các công việc dài hạn mà thích các công việc ngắn hạn, không đòi hỏi cam kết cao. Với các công việc như vậy, họ có thể tích lũy đủ thời gian đóng bảo hiểm cần thiết để rút bảo hiểm xã hội một lần và dùng số tiền này để chuyển sang làm ăn hoặc sinh kế khác. Điều này cũng phần nào gây khó khăn cho các doanh nghiệp FDI trong việc tuyển dụng và đào tạo lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Sự ổn định của lực lượng lao động đóng vai trò rất quan trọng để doanh nghiệp có thể vận hành hiệu quả. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra tại Báo cáo PCI 2022, trong và sau đại dịch Covid-19, việc giữ chân người lao động là vấn đề khó đối với các doanh nghiệp. Tỷ lệ lao động đã được đào tạo tiếp tục ở lại làm việc từ 1 năm trở lên tại khối doanh nghiệp FDI đã sụt giảm đáng kể từ trong 3 năm qua, từ mức 66% năm 2020 xuống mức 60% năm 2021 và còn 55,9% trong năm 2022. Tình trạng này diễn ra mạnh mẽ hơn tại các doanh nghiệp FDI ở khu vực Đông Nam Bộ. Xét riêng năm 2022, tại khu vực này chỉ có 52% số lao động được doanh nghiệp tiếp tục đào tạo ở lại làm việc từ một năm trở lên...
Các doanh nghiệp FDI vẫn gặp khó khăn tuyển dụng nhân công, đặc biệt là với các vị trí đòi hỏi trình độ cao như quản lý, điều hành. Hơn nữa, trong bối cảnh thị trường lao động nhiều biến động và triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm sau đại dịch, các doanh nghiệp FDI ngày càng khó tuyển dụng ngay cả lao động phổ thông và khó giữ chân những lao động đã được chính doanh nghiệp đào tạo. Đứng trước thực trạng đó, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc đầu tư như phát triển hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, ưu đãi về thuế,… chính quyền các địa phương cần phải cải thiện điều kiện sống, các dịch vụ cơ bản và tạo cơ hội tiếp cận tốt hơn cho người lao động phổ thông để họ có thể tiếp tục là một phần quan trọng trong nguồn lực con người của các doanh nghiệp FDI trong tương lai. PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học Viên Tài chính) chia sẻ, chất lượng lao động và năng suất lao động có quan hệ mật thiết với nhau. Chúng ta phải nhìn nhận toàn diện hơn, sâu sắc về chất lượng, trình độ của nguồn lao động để thực hiện các giải pháp đào tạo, nâng cao chất lượng lao động nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế một cách hiệu quả.