Theo các chuyên gia những năm qua, việc đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài đã góp công lớn trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm... Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập cần được thay đổi để bảo vệ người lao động khỏi những rủi ro trong công việc.

Đóng góp tích cực cho kinh tế quốc gia
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW, mỗi năm bình quân lao động và chuyên gia gửi về nhiều tỷ USD, tăng 5 lần so với trước khi có Chỉ thị số 16. Ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thông tin, quy mô tổ chức, doanh nghiệp làm dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng nhanh qua các năm. Đến năm 2022, có 451 tổ chức, doanh nghiệp, cao hơn 2 lần so với thời điểm ban hành Chỉ thị.
Thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài ngày càng mở rộng và phát triển, từ 9 thị trường năm 2013 đến nay, đã mở rộng được lên tới 25 thị trường; đưa được hơn 1 triệu lượt người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài, tăng gần 40% so với bình quân giai đoạn trước khi ban hành Chỉ thị, tạo việc làm cho khoảng từ 7 - 10% lực lượng lao động tăng thêm hàng năm. Thu nhập người lao động làm việc ở nước ngoài tương đối ổn định, bình quân 200 triệu đồng người/năm cao hơn nhiều so với làm việc trong nước cùng ngành nghề; bình quân mỗi năm người lao động và chuyên gia gửi về nước khoảng 10 tỷ đô la, tăng 5 lần so với giai đoạn trước khi ban hành Chỉ thị.
Cũng theo ông Đỗ Ngọc An, điều này không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo mà còn có tích lũy, đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm; đóng góp vào nguồn ngoại tệ của đất nước; góp phần xây dựng quê hương, đất nước, đặc biệt là vào Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Dù có những bước tiến mạnh mẽ xong việc xuất khẩu lao động của Việt Nam vẫn còn một số hạn chế nhất định. Với kinh nghiệm hơn 10 năm đưa lao động đi Nhật Bản, ông Nguyễn Xuân Lanh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Esuhai (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, 90% người đi làm việc ngoài nước vẫn chủ yếu là nhóm tay nghề thấp, hạn chế về chuyên môn, ngoại ngữ. Tỷ lệ lao động kỹ thuật bậc cao, chuyên gia không quá 10%. Xuất khẩu lao động nhiều năm tập trung giải quyết công ăn việc làm cho lao động nghèo mà chưa quan tâm tới nhóm có khả năng học tập, tiếp nhận tay nghề, công nghệ, tư duy quản lý của nước ngoài như sinh viên, học viên trường nghề.
Hà Tĩnh là địa phương có tỷ lệ người đi xuất khẩu lao động khá cao. Tuy nhiên, theo đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh, hiện nay, lao động Việt Nam đa số chỉ tiếp cận thị trường lao động thấp, không có đột phá trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, còn tình trạng lao động bỏ ra ngoài sống bất hợp pháp. Do đó, nhiều ý kiến nhấn mạnh, cần xây dựng quy hoạch, chiến lược đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài.
Bảo vệ và phát triển kỹ năng cho lao động
Nói về vấn đề đưa lao động đi xuất khẩu tại nước ngoài, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, ngoài sự thiếu hụt về kỹ năng làm việc và kỹ năng mềm của lao động như các chuyên gia nói. Công tác đánh giá chất lượng đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động tại Việt Nam cũng chưa chặt chẽ, chưa có sự gắn kết giữa hệ thống các cơ sở đào tạo nghề với tạo nguồn đi làm việc ở nước ngoài nên chất lượng lao động chưa đồng đều, tỷ lệ lao động có tay nghề còn thấp.
Ở một khía cạnh khác, công tác hoàn thiện hệ thống luật pháp cho người lao động làm việc ở nước ngoài còn chậm, nên việc bảo trợ cho công dân đang làm việc ở nước ngoài còn gặp khó khăn.
Nhằm bảo đảm an toàn lao động, các địa phương cần chú trọng sàng lọc những địa bàn rủi ro, ngành nghề rủi ro, điển hình như nghề giúp việc gia đình ở địa bàn Ả rập xê út, Trung Đông. Đồng thời, xử lý nghiêm các doanh nghiệp trá hình, doanh nghiệp vi phạm các quy định về đưa người đi làm việc ở nước ngoài; nâng cao năng lực quản lý nhà nước liên quan đến nắm bắt quy luật cung cầu về thị trường lao động; đổi mới công tác đào tạo nghề…
"Chúng ta cần có những cách thức khảo sát, kiểm tra để khuyến cáo các doanh nghiệp đưa người đi lao động ở nước ngoài loại bỏ những ngành rủi ro, những địa bàn rủi ro" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Thời gian tới, ông Dung đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục nâng cao nhận thức về việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, coi đây là một xu hướng tất yếu. Đặc biệt, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, để hạn chế việc "móc ngoặc" nâng giá đưa người đi làm việc ở nước ngoài.
Tham mưu thêm giải pháp bảo vệ lao động, TS. Nguyễn Đình Quốc Cường, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần áp dụng chuyển đổi số cho hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, cần xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu quốc gia nhằm theo dõi biến động của lao động và chuyên gia sinh sống, làm việc ở nước ngoài; phân tích các ngành nghề, lĩnh vực chuyên môn để định hướng, giải pháp trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề phù hợp; kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp tuyển dụng, sử dụng lao động trong và ngoài nước.
Đặc biệt, mỗi lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cần được quản lý bằng mã định danh cá nhân để cập nhật biến động công việc ở nước sở tại. Từ đó, có thể tránh những vấn đề xảy ra như tình trạng lao động trốn ở lại nước sở tại, bị lừa hoặc mua bán bởi những kẻ buôn người, giúp người lao động tìm hiểu điều kiện lao động và mức lương tại các doanh nghiệp sử dụng lao động...