Phó Trưởng ban phụ trách Ban Bảo vệ người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (VCC) Hồ Tùng Bách đã có cuộc trao đổi với báo Đại biểu Nhân dân xung quanh những điểm mới, đáng lưu ý của Luật này, nhằm giúp các doanh nghiệp và người tiêu dùng hiểu rõ hơn, thực thi đúng các quy định pháp luật.
Hoàn thiện và đồng bộ về quy định pháp luật
- Để giúp doanh nghiệp và người dân hiểu rõ hơn về quy định liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng, xin ông chia sẻ về hệ thống pháp lý về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam?
Bảo vệ người tiêu dùng là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Không chỉ tại Việt Nam, hầu hết các nước trên thế giới đều rất coi trọng công tác này, bởi vì bảo vệ người tiêu dùng chính là bảo vệ sự phát triển bền vững của xã hội. Do đó, nhiều quốc gia đã sớm ban hành các đạo luật với mục đích bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Ở Việt Nam, ngày 27.4.1999, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng. Đây có thể coi là một bước ngoặt quan trọng trong công tác bảo vệ người tiêu dùng ở nước ta cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác này.
Bên cạnh Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng, vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng Việt Nam còn được quy định bởi rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa… Đặc biệt, từ năm 2010, chúng ta đã có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trước những thay đổi rất mạnh mẽ, đáng kể và nổi bật của môi trường, đầu tư, sản xuất kinh doanh, tháng 5 năm 2021, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Bộ Công Thương cũng được giao nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị liên quan đóng góp ý kiến, soạn thảo, xây dựng, hoàn thiện dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Đến tháng 6.2023, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Tiếp đó, ngày 16.5.2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.
Có thể nhận thấy, hệ thống pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài và có sự đồng bộ trong việc ban hành, thực thi các quy định pháp luật trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đó chính là những căn cứ pháp lý nhằm triển khai hiệu quả các quy định của pháp luật việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thực tiễn đời sống.
Bảo vệ hiệu quả hơn quyền lợi người tiêu dùng
- Để hiểu rõ và thực thi đúng các quy định của pháp luật, nâng cao hiệu quả việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 trong bối cảnh chuyển đổi số và giao dịch xuyên quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ cũng như người tiêu dùng cần lưu ý gì, thưa ông?
So với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã bổ sung thêm 1 là Chương III. Chương này quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù. Số lượng các điều cũng được tăng từ 51 điều lên 80 điều và được chia thành 7 chương. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 cũng sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7.2024.
Tiếp đó, ngày 16.5.2024, Chính phủ cũng có Nghị định số 55/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nghị định cũng sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7.2024.
Thời gian tới, để thực hiện hiệu quả hơn việc bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, Bộ Công Thương cũng đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện dự thảo hướng dẫn việc quy định xử phạt trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, Bộ cũng đang xây dựng dự thảo để trình Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Cả hai dự thảo này dự kiến, sẽ được trình các cấp có thẩm quyền ban hành trong tháng 6 năm 2024 và bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7.2024.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có nhiều những quy định, điểm chú ý như: các quy định về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, các quy định về bảo vệ người tiêu dùng dễ bị tổn thương; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh; bảo vệ thông tin của người tiêu dùng... Bên cạnh đó, còn các quy định về việc cung cấp thông tin, tài liệu giao dịch cho người tiêu dùng. Hợp đồng giao kết với người tiêu dùng. Bảo hành; sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật; chất lượng dịch vụ. Những quy định về việc giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng, hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hay quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng được quy định rất rõ ràng.
- Vậy theo ông, đâu là những quy định tiến bộ, đặc biệt đáng chú ý?
Như đã nêu ở trên, rõ ràng, so với luật năm 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có nhiều quy định mới, tiến bộ. Trong đó, có thể kể đến các quy định liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng. Bảo vệ người tiêu dùng dễ bị tổn thương (Điều 8). Luật quy định 7 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương và ưu tiên xử lý khiếu nại cũng như trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Luật quy định rõ, ưu tiên tiếp nhận, xử lý khiếu nại của người tiêu dùng; không lợi dụng đặc điểm tổn thương; Áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại phù hợp với nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương; Không được từ chối giải quyết do khác biệt về tiếng nói, chữ viết, phong tục; Công khai các chính sách áp dụng với người tiêu dùng dễ bị tổn thương (không áp dụng với một số doanh nghiệp (điểm e, khoản 3, Điều 8)... Hay quy định về giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh (Điều 9 và Nghị định)…
Cơ bản, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 khá tương đồng với Luật cũ. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã làm rõ hơn và bổ sung thêm đối tượng áp dụng... Đặc biệt, Luật mới cũng quy định cụ thể liên quan đến người có ảnh hưởng, người tiêu dùng dễ bị tổn thương, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, tổ chức bán hàng đa cấp và cá nhân tham gia bán hàng đa cấp. Đối với các giao dịch có yếu tố xuyên biên giới, các giao dịch trên không gian mạng, Luật đã bổ sung đối tượng mới là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Luật năm 2023 cũng đưa ra nhiều hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số. Đặc biệt, nhằm cảnh báo cho người tiêu dùng, luật bổ sung trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh, cơ quan báo chí, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc công khai các thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
- Xin cảm ơn ông!