Là tỉnh vùng cao biên giới, điểm thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, thu hút nhiều người từ các tỉnh về làm ăn, sinh sống. Lợi thế này bên cạnh giúp Lào Cai đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ về các tệ nạn xã hội, trong đó có nạn mua bán người.
Qua khảo sát nhanh của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho thấy: Hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người trên địa bàn cơ bản được hoàn thành, các văn bản triển khai công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân được xây dựng kịp thời. Giai đoạn 2016 - 2019, toàn tỉnh đã giải cứu và tiếp nhận 370 nạn nhân, trong đó có 102 trong tổng số 370 nạn nhân có hộ khẩu tại tỉnh Lào Cai, chiếm 28,64%; 113 nạn nhân dưới 18 tuổi, chiếm 30,54%.
Mặc dù các cấp chính quyền và ngành chức năng đã có nhiều giải pháp nhưng trên thực tế công tác phòng chống mua bán người trên địa bàn còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Bởi thực tế, đối tượng phạm tội dùng thủ đoạn tinh vi, dùng mạng xã hội như Zalo, Facebook để làm quen, lừa nạn nhân đưa ra nước ngoài bán, gây khó khăn cho công tác xác minh, truy bắt và xử lý; có vụ án do người nhà báo án nhưng chưa giải cứu và tìm thấy nạn nhân nên khó đưa tội phạm mua bán người ra xét xử. Bên cạnh đó, nạn tảo hôn vẫn tiếp diễn, nhiều em trở thành mẹ khi vẫn đang còn là trẻ em; thu nhập thấp hoặc không có việc làm, bạo lực gia đình... là những nguyên nhân khiến phụ nữ, trẻ em rời bỏ gia đình đi tìm việc làm có thu nhập cao với ước mơ cải thiện cuộc sống, rất dễ mắc vào cạm bẫy của những đối tượng mua bán người.
Một thực tế đáng lưu ý nữa là, đa số các nạn nhân bị mua bán trở về là người dân tộc thiểu số (chiếm trên 92,97% số vụ), chủ yếu trình độ học vấn thấp. Vì vậy, hầu hết các nạn nhân trở về đều phải đối mặt với nhiều khó khăn như: Không có việc làm hoặc có việc làm nhưng thu nhập thấp, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, thiếu kỹ năng sống. Cùng với đó là sự kỳ thị của cộng đồng...
Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người trên địa bàn, rất cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, cùng với việc tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức, cảnh giác của người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em về thực trạng tội phạm buôn bán người và những thủ đoạn tinh vi của chúng là việc xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm để bảo đảm tính răn đe của pháp luật. Sâu xa hơn, phải là các giải pháp từng bước giảm thiểu tình trạng tảo hôn, bạo lực gia đình, nhất là việc tạo công ăn việc làm, thu nhập ngay tại địa phương… để chị em phụ nữ, trẻ em không còn muốn hoặc phải rời bỏ gia đình, quê hương, liều lĩnh lao đến những “miền đất hứa” để mong có cơ hội đổi đời mà mắc vào cạm bẫy của những đối tượng mua bán người.
Với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, HĐND các cấp cần tăng cường giám sát để nắm tình hình, những vấn đề nổi lên về cơ chế, chính sách, kịp thời tham mưu, đề xuất những giải pháp phù hợp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn.