Tái sử dụng container rỗng:

Hướng tới một nền logistics xanh, giảm lượng khí phát thải CO2

Tại Hội thảo “Tầm Quan trọng trong việc tái sử dụng container rỗng” diễn ra chiều 19.7, các đại biểu cho rằng, hướng tới một nền logistics xanh, giảm lượng khí phát thải CO2, là bài toán chung của ngành logistics. Để làm được cần sự tham gia, phối hợp tất cả các bên, nhất là giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; đặc biệt, cần sự quan tâm hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước.

Chưa tới 1,5% container nhập khẩu được tái sử dụng

Container được xem là “huyết mạch” của thương mại toàn cầu giúp việc vận tải hàng đường biển, đường bộ, đường sắt trở nên dễ dàng hơn. Thế nhưng, thời gian gần đây, thế giới đang đối mặt với sự thiếu hụt container trên diện rộng. Hiện nay, thực trạng thiếu container rỗng phục vụ vận chuyển hàng hóa khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn. Chi phí vận chuyển tăng cao, thời gian và hợp đồng giao hàng với đối tác cũng bị ảnh hưởng, cản trở việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp.

 Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp và Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) Nguyễn Duy Minh cho rằng, thực tế tại Việt Nam, số lượng container nhập khẩu được tái sử dụng cho xuất khẩu còn rất thấp, chưa đến 1,5%. Bài toán làm thế nào để tái sử dụng lượng vỏ contaier rỗng liên quan không chỉ các doanh nghiệp vận tải mà cả các chủ tàu trong mục tiêu tối ưu hóa chi phí logistics và chi phí vận tải nói chung.

Theo Tổng Thư ký VLA, đối với các chủ tàu trong việc tái sử dụng container rỗng sẽ tăng hệ số sử dụng vỏ, có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn khan hiếm vỏ container như trong năm 2021 và 2022. Đối với các đơn vị vận tải, chủ hàng việc tái sử dụng container rỗng sẽ giúp tối ưu vận tải hai chiều, cắt giảm chi phí vận tải. Nhìn rộng hơn ở ngành logistics thấy việc tái sử dụng container rỗng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả chung của toàn ngành. 

Đứng về góc độ phát triển bền vững đây cũng là giải pháp để cắt giảm phát thải carbon. Ông Minh lấy ví dụ: Lượng vận tải container của Việt Nam khoảng 20 triệu TEU thì chỉ cần tận dụng container rỗng là 10% thì sẽ có 2 triệu TEU container rỗng được tái sử dụng. Ước tính với một container vận chuyển 2 chiều là 100km, quy đổi ra tiêu sẽ cắt giảm 50kg CO2/1 tiêu thì với 2 triệu TEU trong một năm tái sử dụng sẽ giảm được khoảng 100.000 tấn CO2. Ngoài ra, một mặt ích lợi nữa là sẽ giảm sức ép lên hạ tầng giao thông, bảo vệ hạ tầng giao thông rất tốt. 

Hiện tại các công ty vận tải, chủ hàng tự kết nối và xin phép chủ hàng được sử dụng vỏ container rỗng đó. Các doanh nghiệp tham gia khảo sát đều nhận định thách thức lớn nhất hiện nay là chúng ta đang thiếu nguồn thông tin để tái sử dụng container rỗng. Do đó, trên thị trường cần thêm các nền tảng công nghệ để hỗ trợ tìm kiếm, nâng cao tái sử dụng container rỗng. Theo khảo sát các doanh nghiệp của Hiệp hội VLA, có tới hơn 60% doanh nghiệp sẵn sàng sử dụng các nền tảng công nghệ. Điều này cho thấy xu hướng phát triển của một mô hình kinh doanh mới trong ngành dịch vụ logistics. 

Phải có kiến thức kiểm tra chất lượng container rỗng

Đại diện Công ty công nghệ Smartlock Nguyễn Vũ Đăng Khuyên cho biết, từ những năm 2010 đã nhiều nước triển khai các mô hình để tận dụng container rỗng. Tại Việt Nam, công ty đã triển khai mô hình Internal Reuse giúp một chủ hàng có thể vừa xuất khẩu, vừa nhập khẩu. Khi sử dụng mô hình này giúp cắt giảm chi phí cho chủ hàng và vận tải, chủ động được nguồn vỏ conternair rỗng đơn hàng xuất khẩu trong giới hạn cho phép, có thể quản lý rủi ro, giúp biết rõ tính chất hàng hóa trong container thế nào.

Theo bà Nguyễn Thị Diễm Quỳnh - Đại diện công ty Matchbox exchange, hoạt động tái sử dụng container rỗng được sử dụng rộng rãi ở các nước. Tuy nhiên, khi triển khai tại Việt Nam nhiều doanh nghiệp vẫn còn e ngại. Đơn cử như Thái Lan có nhiều điểm tương đồng như thị trường Việt Nam. Với thị trường phân tán mạnh, thiên về xuất khẩu hơn nhập khẩu nhưng Thái Lan đã triển khai rất thành công việc tái sử dụng container rỗng.

Để hoàn thiện mô hình kinh doanh mới, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp và Dịch vụ logistics Việt Nam khuyến nghị, các đơn vị vận tải, chủ hàng khi chấp nhận sử dụng container rỗng phải có nhận thức về quản lý rủi ro về những khuyết điểm tiềm ẩn của container và có kiến thức kiểm tra chất lượng container; có quyền từ chối khi kiểm tra thực tế container rỗng không đạt chất lượng. Đối với sàn kết nối container rỗng và hãng tàu cần có biểu mẫu căn cứ xác nhận tình trạng container thay thế phiếu EIR. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm để bảo vệ lợi ích cho các bên. Đối với các hãng tàu cần quản lý rủi ro, tránh cho phép sử dụng container rỗng nhiều lần. Hãng tàu, Depot, sàn kết nối container rỗng cần nghiên cứu cung ứng dịch vụ giám định di động và chất lượng container rỗng để hỗ trợ chủ hàng, đơn vị vận tải hoặc hỗ trợ chủ hàng, đơn vị vận tải công tác đào tạo kỹ năng kiểm tra chất lượng container rỗng bằng mắt thường để tránh rủi ro.

Báo in