
50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025), TP. Hồ Chí Minh đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế - tài chính lớn nhất cả nước. Với những bước chuyển mình toàn diện về hạ tầng, kinh tế - xã hội, công nghệ và đời sống, thành phố không ngừng khẳng định vai trò đầu tàu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Ngay sau ngày giải phóng, thành phố bước vào giai đoạn hàn gắn hậu quả chiến tranh, ổn định xã hội và bắt tay vào phát triển kinh tế theo mô hình kế hoạch hóa tập trung. Giai đoạn 1976 – 1985, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do cơ chế bao cấp và chiến tranh biên giới, thành phố vẫn duy trì mức tăng trưởng GDP trung bình 2,7%/năm.

Từ năm 1986, cùng với cả nước, TP. Hồ Chí Minh bước vào công cuộc đổi mới. Lãnh đạo thành phố đã mạnh dạn ban hành nhiều quyết sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, lưu thông, khuyến khích mô hình kinh tế tư nhân và mở rộng các khu công nghiệp, khu chế xuất. Kinh tế thành phố tăng trưởng bình quân từ 6,8% đến 12,6%/năm trong giai đoạn 1986 – 1995.


Giai đoạn 1996 – 2010 là thời kỳ thành phố tăng tốc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt mức hai con số: 10,1% (1996 – 2000), 11% (2001 – 2005) và 11,18% (2006 – 2010). Tỷ trọng ngành dịch vụ và công nghiệp công nghệ cao lần lượt chiếm 55,98% và 42,96% vào năm 2010, nông nghiệp chỉ còn 1,06%. TP. Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế, tiên phong trong đổi mới sáng tạo và thu hút đầu tư.


Giai đoạn 2011 – 2020, thành phố phát triển theo chiều sâu, ứng dụng mạnh mẽ khoa học – công nghệ, cải thiện chất lượng tăng trưởng. GRDP bình quân tăng 6,86%/năm – cao hơn mức bình quân chung cả nước (5,96%). Quy mô kinh tế gấp 2,7 lần so với năm 2010, thu nhập bình quân đầu người tăng 2,39 lần.
Từ năm 2021 đến nay, dù chịu tác động nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, thành phố đã nỗ lực phục hồi mạnh mẽ. Năm 2022, GRDP tăng 9,03%, thu ngân sách đạt 122% dự toán, đóng góp 26,5% tổng thu ngân sách nhà nước. Đến năm 2023, GRDP tính theo giá hiện hành đạt hơn 1,62 triệu tỷ đồng, tăng 5,81% so với năm 2022.

Năm 2024, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận mức thu ngân sách kỷ lục với hơn 508.000 tỷ đồng, bằng 105,3% dự toán, tăng hơn 13,3% so với cùng kỳ. GRDP ước đạt 7,17%, tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực.
Đặc biệt, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh đã tháo gỡ nhiều điểm nghẽn về đầu tư, tài chính, tổ chức bộ máy, tạo nền tảng cho thành phố phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tiếp theo.




Bên cạnh những con số ấn tượng, TP. Hồ Chí Minh cũng là nơi hình thành hàng loạt công trình biểu tượng làm thay đổi diện mạo đô thị: Từ đại lộ Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng đến cầu Sài Gòn 2, cầu Phú Mỹ, đường hầm Thủ Thiêm, đại lộ Mai Chí Thọ, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, khu đô thị Thủ Thiêm... Đặc biệt, sau hơn 2 năm thi công thần tốc, Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất – công trình có tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng – đã đưa vào khai thác, nâng công suất phục vụ nội địa lên 20 triệu lượt khách/năm.



Tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) – tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của thành phố – đã chính thức đưa vào vận hành từ ngày 22.12.2024, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiện đại. Tuyến metro dài 19,7 km với 14 nhà ga (3 ga ngầm, 11 ga trên cao), kết nối trung tâm thành phố với khu vực phía Đông, góp phần giảm ùn tắc giao thông, nâng cao chất lượng sống và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực.

Trong tháng đầu tiên khai thác, hành khách được miễn phí vé trải nghiệm dịch vụ; từ ngày 21.1.2025, metro số 1 bắt đầu thu phí với giá vé từ 6.000 đến 20.000 đồng/lượt, kèm theo nhiều lựa chọn vé ngày, vé tháng linh hoạt.


Cùng với tuyến metro, các nút giao thông trọng điểm như An Phú, dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ, cảng trung chuyển quốc tế và nhiều công trình hạ tầng khác đang tiếp tục được triển khai, trở thành đòn bẩy quan trọng giúp thành phố phát triển toàn diện.

Với vai trò đầu tàu, TP. Hồ Chí Minh đang đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 trên 10%; đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 13.000 USD, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ và văn hóa của khu vực; đến năm 2045, phấn đấu GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 37.000 USD, trở thành điểm đến hấp dẫn tầm khu vực và toàn cầu.




Những thành quả đạt được trong suốt 50 năm qua không chỉ khẳng định vị thế hàng đầu của TP. Hồ Chí Minh với vai trò trung tâm kinh tế – tài chính lớn nhất cả nước, mà còn là minh chứng sống động cho tinh thần đổi mới, sáng tạo và khát vọng vươn lên mạnh mẽ.


Từ một thành phố mang đậm dấu ấn cách mạng, TP. Hồ Chí Minh vươn mình trở thành đô thị hiện đại, văn minh, nơi hội tụ ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển vì một tương lai phồn vinh, tươi sáng, hạnh phúc cho mọi người dân.