![]() |
Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được ban hành năm 1991 (sửa đổi, bổ sung năm 2004) đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền trẻ em và các chính sách về trẻ em. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện, Luật đã bộc lộ một số khó khăn, bất cập như quy định pháp lý, chính sách bảo vệ trẻ em chưa cụ thể, thiếu nhiều quy định pháp lý và chính sách về vận hành hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em hiệu quả; cơ chế phối hợp liên ngành và các quy trình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa rõ ràng; chưa có những quy định cụ thể về thủ tục tố tụng đối với trẻ em là người bị hại trong các vụ án hình sự; chính sách xử lý hành chính đối với trẻ em mới chỉ dừng ở nguyên tắc mà chưa có quy định, hướng dẫn chi tiết…
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề như tuổi pháp lý của trẻ em, những luận cứ khoa học và thực tiễn của việc đề xuất tăng độ tuổi trẻ em; hiện trạng hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và mô hình đề xuất trong dự thảo Luật Bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em (sửa đổi); kinh nghiệm quốc tế về các mô hình hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và các khuyến nghị; hiện trạng tư pháp đối với trẻ em hiện nay… Một số ý kiến cho rằng, việc nâng độ tuổi trẻ em không có nghĩa là tất cả những người dưới độ tuổi phải được đối xử như nhau, mà điều này chỉ phản ánh thực tế những người dưới 18 tuổi chưa trưởng thành có quyền được nhà nước xem xét và bảo vệ đặc biệt. Đồng thời, việc sửa hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em và tư pháp thân thiện với trẻ em phù hợp với Công ước về Quyền trẻ em sẽ giúp các luật của nước ta phù hợp hơn với chuẩn mực và thực hành quốc tế từ các nước khác trong khu vực…