Dự kiến trong thời gian tới, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, cấp thành phố sẽ tổ chức 2 hội nghị: Hội nghị lấy ý kiến đối với các đồng chí nguyên là lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ; hội nghị cán bộ chủ chốt của thành phố góp ý đối với dự thảo luật.
Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến, UBND thành phố sẽ phối hợp tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10.2023).
Theo Nghị quyết số 89/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV về điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2023 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5.2024).
Về nội dung dự thảo luật, trên cơ sở kế thừa Luật Thủ đô năm 2012, dự thảo luật đã quy định cụ thể và bổ sung các nội dung về tổ chức chính quyền tại Thủ đô Hà Nội, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô, liên kết, phát triển vùng Thủ đô vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Theo đó, Luật Thủ đô quy định về vị trí, vai trò của Thủ đô; tổ chức chính quyền Thủ đô; xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô; liên kết, phát triển vùng Thủ đô. Với phạm vi điều chỉnh như trên, bố cục của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 6 chương, 59 điều (tăng 2 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô năm 2012).
UBND thành phố Hà Nội khẳng định, các quy định của Luật nhằm tạo cơ chế để Thủ đô có thể phát triển mạnh mẽ, từ đó tạo động lực, cùng các địa phương trong vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng phát triển và thực hiện tốt nhất vai trò, trách nhiệm của Thủ đô đối với Trung ương, đối với vùng và cả nước.