Theo đó, kế hoạch vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 và 2023 thực hiện tại tỉnh là trên 1.308 tỷ đồng, trong đó năm 2023 là hơn 812 tỷ đồng. Đến ngày 30.9.2023, toàn tỉnh giải ngân được hơn 470 tỷ đồng, đạt 36% kế hoạch. Tổng vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023 là hơn 373 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn năm 2022 chuyển sang là hơn 137 tỷ đồng. Đến ngày 15.9.2023, tổng giải ngân đạt trên 29% kế hoạch.
Nguyên nhân được xác định do bên cạnh nguồn lực thực hiện các chương trình chủ yếu dựa vào ngân sách Trung ương, công tác triển khai xây dựng và phê duyệt dự án của một số địa phương còn chậm. Quy trình thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất phải qua nhiều bước, kéo dài thời gian, làm ảnh hưởng đến thời vụ sản xuất…
Trên cơ sở đó, các đại biểu thảo luận, thống nhất đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2023 với quyết tâm thực hiện giải ngân nguồn vốn các chương trình theo cam kết; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân. Huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước và các nguồn lực hợp pháp khác để cùng thực hiện…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng đề nghị các huyện chỉ đạo các xã tăng cường thực hiện nhiệm vụ. Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu. Thực hiện tốt báo cáo định kỳ hằng tháng theo quy định. Về vốn đầu tư, các huyện, chủ đầu tư quyết liệt giải ngân, khẩn trương thanh toán theo giai đoạn; tăng cường hỗ trợ các xã lập hồ sơ thanh quyết toán; dự án nào không có khả năng triển khai theo tiến độ có thể điều chuyển nguồn kinh phí đầu tư theo quy định.
Về vốn sự nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng đề nghị các huyện tiếp tục rà soát, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến các dự án. Các dự án chưa phù hợp cần bổ sung; quan tâm phát triển mô hình sản xuất đối với các dự án liên kết. Các địa phương cần chỉ đạo sâu sát, quyết liệt hơn, để việc thực hiện hai Chương trình MTQG đạt kết quả cao nhất.