Thưa Ngài Chủ tịch,
Thưa các quý Bà, quý Ông,
Thay mặt Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi xin gửi lời chào trân trọng và lời cảm ơn sâu sắc tới Chủ tịch Hạ viện Indonesia, Chủ tịch IPU và Tổng Thư ký IPU về lời mời tham dự Đại hội đồng IPU lần thứ 144 tại Bali, Indonesia. Xin cám ơn Quốc hội nước chủ nhà Indonesia đã dành cho các đại biểu tham dự sự đón tiếp trọng thị và nồng hậu.
Thưa các quý vị,
Tình trạng biến đổi khí hậu đang ở mức báo động đỏ đối với nhân loại như Tổng Thư ký Liên Hợp quốc đã nói. Các tác động rõ nét và khốc liệt của Biến đổi khí hậu như nước biển dâng, thời tiết cực đoan, hạn hán, đe dọa an ninh lương thực toàn cầu và đa dạng sinh học, sụt giảm các nguồn tài nguyên, làm gia tăng đói nghèo, thất nghiệp, bất bình đẳng xã hội, bất ổn và xung đột tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới.
Đây là những thách thức nghiêm trọng đòi hỏi các quốc gia khẩn thiết gia tăng cam kết, hành động giảm phát thải nhà kính, theo đuổi quá trình phục hồi kinh tế xanh, bền vững và bao trùm sau đại dịch Covid-19. Cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 là mục tiêu chung được hầu hết các quốc gia trong đó có Việt Nam theo đuổi và có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trong bối cảnh vừa ứng phó biến đổi khí hậu, vừa phòng chống Covid-19, Việt Nam quyết tâm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, ứng phó với Biến đổi khí hậu, coi đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng trọng tâm, cấp bách. Việt Nam sẽ tiếp tục giảm mạnh sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, tăng nhanh tỉ lệ năng lượng tái tạo, phấn đấu xây dựng lộ trình phù hợp theo quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn, các-bon thấp, thực hiện những cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu mà Việt Nam đã tham gia, trong đó có cam kết tại COP 26.
Năm 2020, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có 1 chương về Ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26. Trong năm 2022, Quốc hội thúc đẩy giám sát việc triển khai thực hiện các cam kết tại COP 26. Trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam luôn xác định lấy người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể và là mục tiêu, động lực của vấn đề chống biến đổi khí hậu; không để ai bị bỏ lại phía sau. Chúng tôi mong muốn nhận được sự hợp tác và hỗ trợ của các đối tác quốc tế trong các chương trình, dự án đầu tư về chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Nhằm thúc đẩy hành động của Quốc hội hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”, tôi xin nêu một số đề xuất:
Thứ nhất, Nghị viện các nước thúc đẩy các Chính phủ triển khai mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa các chính sách nhằm ứng phó biến đổi khí hậu theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; xây dựng lộ trình thực hiện mục tiêu hướng tới phát thải ròng bằng 0 như cam kết tại Hội nghị COP 26, đi đôi với việc tăng cường giám sát triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nhất là mục tiêu 13 về biến đổi khí hậu.
Thứ hai, Nghị viện các quốc gia cần tăng cường hợp tác, trên cơ sở nguyên tắc công bằng, trách nhiệm chung nhưng có phân biệt, phù hợp với năng lực và điều kiện riêng biệt của mỗi quốc gia; nhất là giữa các Nghị viện thành viên, IPU và các tổ chức quốc tế nhằm kết nối, bổ sung nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, nâng cao năng lực của Nghị viện trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Các nước phát triển hơn cần tiếp tục đi đầu thực hiện các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và công nghệ cho các nước đang phát triển nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ ba, đề nghị các Nghị viện tăng cường công tác lập pháp, rà soát, bổ sung xây dựng luật; giám sát và phân bổ ngân sách để bảo đảm việc thực hiện các cam kết khí hậu của quốc gia, giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0, phù hợp với năng lực, trình độ phát triển của mỗi quốc gia.
Thứ tư, IPU phối hợp với Ban Thư ký Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu xây dựng cơ chế giám sát, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, mô hình tốt trong việc thực hiện các cam kết của các quốc gia.
Thứ năm, các Nghị sỹ phát huy vai trò cầu nối với người dân, tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp hiểu được những cơ hội, lợi ích lâu dài từ việc tham gia các sáng kiến toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính; khuyến khích phát triển quan hệ đối tác công-tư, đề cao sự nỗ lực, sáng tạo của doanh nghiệp, sự ủng hộ cùng hành động của người dân.
Tôi tin tưởng rằng, với quyết tâm chính trị mạnh mẽ, nỗ lực của tất cả các nghị viện thành viên sẽ giúp chúng ta đạt được những mục tiêu quan trọng đề ra trong nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu và phục hồi, phát triển vì sự thịnh vượng cho mọi người dân.
Xin trân trọng cảm ơn quý vị.