Khúc tri ân cho thanh xuân nằm lại

- Thứ Ba, 11/04/2023, 14:25 - Chia sẻ

“Đời lính cho tôi ý chí, quê hương cho tôi tình thương, cha mẹ cho tôi hình hài. Vậy nên, mỗi lần tôi cầm bút thì những cảm xúc về cha mẹ, quê hương, bạn bè, đồng đội lại ùa về và tôi viết về họ bằng cả tình yêu cùng sự biết ơn sâu nặng nhất”.

Đó là tâm sự, là nỗi niềm của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ với thơ ca. Trong mạch cảm hứng bất tận tri ân, tưởng nhớ những tấm gương anh dũng đã hy sinh vì Tổ quốc, xuyên qua bao cuộc chiến tranh, qua thời đất nước gian lao và hòa bình trở lại, nhiều nhà thơ đã viết nên những tác phẩm đầy xúc động tri ân người nằm lại với tuổi xuân xanh ngời hòa vào đất mẹ. Tác phẩm “Chưa một lần về” của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ là một áng thơ như thế, và quan trọng hơn, nó đã vượt khỏi biên độ đọc và cảm của độc giả để tiếp tục những hành trình mới rộng hơn, gợi hơn, khi được chắp cánh bởi âm nhạc.

Khúc tri ân cho thanh xuân nằm lại -0
Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ chia sẻ về thơ và đời. Ảnh: NVCC

Ngay tựa đề tác phẩm đã khiến mỗi chúng ta bâng khuâng, rưng rưng và dội lên trong tim cảm giác mình còn mắc nợ. “Chưa một lần về” là một phần số phận của người lính đặt trong vận mệnh đất nước thời chiến tranh. Hầu hết những thanh niên khoác ba lô lên đường đều ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi, có người đang ngồi trên ghế nhà trường với bao hoài bão vừa mở ra trước mắt. Họ ra đi, trước khi cống hiến tuổi xuân cho Tổ quốc với lời thề “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” thì chính mỗi người đã tạm gác lại từng giấc mộng thanh xuân bên gia đình, quê hương, ước mơ tuổi trẻ, tình yêu lứa đôi. Để rồi, kể từ giây phút hy sinh, chưa một lần trở về.

Khổ thơ đầu tiên được mở ra bằng một câu hỏi không lời đáp: “Anh ở đâu sao mãi chưa về/ Chiến tranh đi qua đất nước về một cội/ Mẹ heo hắt mòn ngày năm canh mỏi gối/ Ban thờ nhà ngơ ngẩn khói hương bay”. Câu hỏi của thi nhân, cũng là câu hỏi chung của cả dân tộc. Một câu hỏi dù không lời hồi đáp, dù ai ai cũng hỏi, nhà nhà vang lên, nhưng chưa bao giờ ngừng lại. Bởi niềm day dứt, nhớ thương, mong ước luôn khiến mỗi người không yên lòng khi nghĩ về bao thế hệ người lính đã hy sinh cho nền hòa bình độc lập. Không tiếc thương, không dằn vặt sao được, bởi tuổi xuân là quãng đời đẹp nhất, nhưng những người lính chọn lý tưởng hiến dâng. Khắp dải đất hình chữ S, rộng mở thêm đến từng quần đảo, từng đảo nhỏ ngoài khơi, không nơi nào thiếu khói nhang, mộ chí. Đất nước về một cội, nỗi đau vẫn còn đó, bao người mẹ mỏi mòn ngóng con, nằm mơ thấy con trở về trẻ trung, ngời sáng như khoảnh khắc khoác ba lô vào chiến trường. Hòa bình đồng nghĩa với hân hoan, hạnh phúc, thỏa bao niềm ước mong, nhưng ở từng góc khuất còn là máu xương, nước mắt, thương tích trổ sâu vào năm tháng, vào những chân dung, thân phận con người.

“Các anh đi không tiếc tuổi hai mươi/ Thân xác gửi nơi rừng già vực thẳm/ Anh chẳng có cho mình dù một vuông cỏ thắm/ Để lại nỗi niềm quay quắt phía trời quê”. Những vần thơ tuôn trào theo mạch cảm xúc, tưởng chừng không có gì ngăn nổi, đó như dòng suối, dòng sông cuộn trào theo hướng biển, để hòa vào cảm xúc chung của cả thời đại, cả nước non mình. Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ từng là một người lính, ôm súng bảo vệ biên cương trong giai đoạn cuộc Chiến tranh bảo vệ Biên giới phía Bắc còn lưu dấu ấn đầy đau thương. Có lẽ, chính bởi lẽ đó, trạng thái cảm xúc trong thơ càng căng đầy, sâu nặng hơn vì niềm đồng cảm trong trái tim người lính. Chỉ những người trực tiếp chiến đấu, trải nghiệm trọn vẹn bối cảnh chiến trường mới thấu suốt lời thề tuổi trẻ “không tiếc tuổi hai mươi”, mới thấm thía cảnh “thân xác gửi nơi rừng già vực thẳm”. Ra đi đã không tiếc thì “dù một vuông cỏ thắm” cũng chẳng có cho mình. Nơi quê hương – cái nôi sinh ra mỗi con người, che chở vỗ về từng ước mong tuổi thơ cho tới thời mới lớn, tuổi thanh niên… là quay quắt bao nỗi niềm thương nhớ. Nơi đó có cha mẹ, hàng xóm láng giềng, và sâu hơn là cội nguồn đã hun đúc nên những chân dung tuổi hai mươi sung sức, tỏa bừng niềm tin, khát vọng.

Người ra đi không tiếc, như khí chất trong thơ Nguyễn Đình Thi: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”. Nhưng người ở lại có tiếc không? Sao mà không đau, không tiếc cho được. Có bao người mẹ mỏi mòn nhìn từng dòng sông mà nhớ con mình, tuổi trẻ thuở nào đã chảy trôi theo nước. Có những đêm trắng đêm ngước nhìn trăng sao trên bầu trời mà nghĩ về tuổi xuân lấp lánh đã bị chôn vùi ở góc rừng, suối khe, vực thẳm nào đó trên đất nước mình. Vẫn câu hỏi vang lên, núi rừng, núi sông vọng lại: “Anh ở đâu?/ Trận mạc còn đây mùi thuốc súng còn đây/ Quảng Trị, Tây Nguyên, miền Đông, Nam bộ…/ Anh nằm lại nơi nào giữa biển xanh và cỏ/ Nén tâm nhang quặn thắt quẩn quanh mồ”. “Nén tâm nhang” ở khổ thơ này hay “khói hương bay” đã xuất hiện ngay từ khổ đầu tiên đều vẽ vòng số phận. Những thế hệ tuổi xanh không khép mắt, những con người nằm lại nơi nào người thân không biết, thì trọn kiếp người nhang khói quẩn quanh. Cái sự quẩn quanh của người còn vọng về người đã khuất để rồi mở ra biết bao hành trình. Có những cựu chiến binh ở tuổi gần đất xa trời vẫn lặn lội vào chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội. Có bao gia đình ngóng trông, theo dõi từng thông tin dù nhỏ nhất. Có bao cha mẹ, người thân cho đến giây phút cuối đời vẫn mong chờ…

Nhịp thơ mênh mang như sông như biển, đẩy người đọc vào vùng cảm xúc đầy xót thương. Và rồi từ sâu xa trong dòng chảy đó, từng vần thơ với âm hưởng bi tráng vút lên như dựng thành dựng lũy: “Các anh đi son sắt một lời thề/ Lấy cái chết dựng trường thành Tổ quốc/ Lấy cái chết kết làm hoa trên cát/ Cho con tàu Tổ quốc vút tầng cao…” Sừng sững như trước mắt ta đang hiện ra những bức tượng đài. Lộng lẫy như tuổi hai mươi của bao con người đang ùa về căng tràn nhịp thở. Bởi chăng vì lời thề son sắt, vì lý tưởng vời vợi chiến thắng mọi âm mưu, thủ đoạn và sự tàn khốc của chiến tranh? Đó là trường thành Tổ quốc, là hoa trên cát, để có ngày hôm nay trào dâng khát vọng dựng xây, vươn xa, tỏa sáng.

Khúc tri ân cho thanh xuân nằm lại -0
Ảnh tư liệu/INT

Chiến tranh, người ra đi không biết ngày về, người ở lại không biết ngày đoàn tụ. Vậy cuối cùng điều gì đọng lại? Có lẽ đó là nỗi niềm khắc khoải chưa bao giờ nguôi. Đó là lòng biết ơn chưa bao giờ vơi cạn. Tác giả khép lại bài thơ trong cảm hứng đó, đồng thời mở ra một cánh cửa đầy hơi ấm của niềm tin, của tình yêu và nỗi nhớ: “Giữa nghìn trùng cách biệt chia ly/ Xin cúi lạy anh linh những người lính trẻ/ Những người lính bỏ mình trên đất mẹ/ Để đất nước hóa rồng vượt sóng cả hồi sinh”.

Cũng như rất nhiều tác phẩm khác của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ, “Chưa một lần về” ngay khi được công bố và nhận được sự đồng cảm, chia sẻ từ độc giả đã có hành trình xa hơn với biên độ rộng mở mà chính tác giả cũng không ngờ được, đó là con đường từ thơ ca đến âm nhạc. Bài thơ được nhạc sĩ Trần Nghệ phổ nhạc và giọng ca Viết Danh thể hiện với tên gọi “Các anh ở nơi đâu” - một câu hỏi thường trực được nhà thơ khắc họa sâu đậm, ám ảnh trong tác phẩm. Tiếp nối nguồn cảm hứng thơ ca đã tạo nên, âm hưởng trong ca khúc thể hiện được nỗi niềm da diết, day dứt, uy nghiêm và lắng đọng.

Thông thường, giữa thơ và bài hát phổ thơ bao giờ cũng có độ kênh nhất định. Có những bài thơ hay, nhưng không phù hợp để phổ nhạc. Có những bài hát hay, thực chất nhạc sĩ chỉ “nhặt” vài ý thơ và xử lý bằng chuyên môn âm nhạc… từ lâu đó đã là câu chuyện phổ biến, không lạ lẫm. Trường hợp nhà thơ Nguyễn Đăng Độ khá đặc biệt. Tính đến nay, anh có hàng trăm ca khúc được phổ nhạc, nhưng hầu hết các bài hát đều giữ trọn vẹn nguyên tác thơ. Chính thực tế đó đã làm bật ra những tín hiệu ta có thể nắm bắt, khẳng định. Đầu tiên, đó là trong thơ của anh đã sẵn nhạc tính và chính những bài thơ ấy khi đọc lên đã chứa đựng sẵn những giai điệu, âm hưởng riêng, tác động mạnh tới người đọc. Tiếp theo, đó là sự “bắt sóng” một cách tự nhiên, tinh tế giữa các chủ thể sáng tạo. Thường thì các nhạc sĩ với độ mẫn cảm đặc biệt sẽ dễ dàng nhận biết những tác phẩm thơ có thể mang thêm đôi cánh âm thanh và với những bài thơ đã hay, đã sẵn nhạc tính thì chẳng dại gì họ sửa chữa, làm khác đi tinh thần vốn có.

Nói như vậy để thấy rằng, con đường từ thơ ca đến âm nhạc vốn không phức tạp, nhưng phải đủ cảm hứng, cơ duyên và nền tảng nhất định. Điều đó được quyết định đầu tiên bởi chính nhà thơ và tác phẩm của họ. Nền tảng mang tính tiền đề đó phải đủ nội dung, ý nghĩa, sức lay động để không chỉ chinh phục độc giả, mà còn chinh phục cả những văn nghệ sĩ – giới cùng nghề, lâu nay được mặc định là khắt khe, dễ nhìn thấu nhau. Với những tác phẩm như “Các anh ở nơi đâu”, nếu không có thơ, thì không có nhạc. Còn khi đã thành hình hài của bài hát, của một tác phẩm chung, thì sức lan tỏa, gợi mở sẽ sâu hơn, rộng hơn khởi đầu vốn có.

Khúc tri ân cho thanh xuân nằm lại -0
Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ. Ảnh: NVCC

Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ, như tôi đã biết, vốn có một hành trình sáng tạo đầy lặng lẽ. Ký ức dường như là bầu khí quyển mênh mang, quyện đặc trong anh, chưa bao giờ phai nhạt. Mỗi ngày mới ùa đến, căng đầy cống hiến, mê say… để anh hòa nhập vẫn không vợi đi, không quên lãng những ngày hôm qua còn đọng lại. Anh nhớ quê hương, kỷ niệm tuổi thơ, chân dung từng con người đã giúp đỡ, sẻ chia trong khó khăn cực nhọc. Cống hiến và biết ơn là nguồn cảm hứng song song khiến anh vừa bước đi, vừa ngoảnh lại để rồi mọi giá trị đằm lắng trong thơ. Trang thơ – trang đời đầy cảm xúc, nỗi niềm như cách anh giữ lại cho mình, cho thế hệ mai sau.

Trên con đường sáng tạo, dù viết về nhiều đề tài, song dấu ấn khi sáng tác về hình tượng người lính và chiến tranh cách mạng của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ đã khẳng định rõ nét trong thơ ca và tác phẩm thơ được phổ nhạc. Giá trị đó góp phần đáng kể trong hành trình lan tỏa tình yêu, lòng tự hào Tổ quốc tới thế hệ hôm nay, nhất là khi ngày càng có thêm nhiều nhạc sĩ, ca sĩ trẻ tìm đến thơ anh, hát ca khúc phổ thơ Nguyễn Đăng Độ với năng lực và tấm lòng biết ơn, tận hiến. Cũng bởi lẽ này, công chúng có quyền mong mỏi bằng cách nào đó những tác phẩm thơ của anh với những con đường khác nhau tiếp tục đến với nhiều vùng miền, bạn đọc đa dạng về lứa tuổi. Cùng với đó, các ca khúc phổ thơ Nguyễn Đăng Độ về đề tài tri ân Tổ quốc, các anh hùng liệt sĩ có thể được tập hợp theo hệ thống để sự cảm nhận, lan tỏa càng trở nên mạnh mẽ hơn, tác động vào nhận thức, tình cảm của con người trong đời sống hiện đại, để rồi từ đó mở ra những cuộc hành trình tìm hiểu, sẻ chia với ký ức, tri ân sự hy sinh vĩ đại của những con người đã không tiếc tuổi xuân cho đất nước.

Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ sinh năm 1966, quê quán: Thạch Tiến, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Anh nhập ngũ tháng 2.1985, nằm trong đội hình Tiểu đoàn 1016 thuộc Sư đoàn 316, tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1985-1986.

Tác phẩm đã xuất bản:
- Tình quê, NXB Phụ nữ, 2022
- Hương xa, NXB Hội Nhà văn, 2022

Thanh Khê
#