30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ (1995 - 2025)Hồ sơ, chứng tích - Nhịp cầu ký ức và hòa giải
Tại Lễ trao trả hồ sơ, chứng tích chiến tranh cho thân nhân các liệt sĩ và cựu chiến binh Việt Nam sáng 10/7, trong khuôn khổ khai mạc trưng bày "30 năm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ", nhiều câu chuyện xúc động đã được thân nhân liệt sĩ, cựu chiến binh bày tỏ, nhiều mong muốn qua đó cũng được gửi gắm.
Đến từng xã, phường để tìm kiếm, xác minh
Chủ tịch Tổ chức Trái tim Người lính Việt Nam, Đại tá Đặng Vương Hưng, cho biết, trong kháng chiến chống Mỹ, đã có một khối lượng lớn nhật ký, thư tay, vật dụng cá nhân… là di vật và kỷ vật của bộ đội miền Bắc và quân Giải phóng miền Nam bị quân đội Mỹ thu được trên chiến trường. Phần lớn các bản gốc đã bị hủy trong thời chiến.
Tuy nhiên, nhiều nội dung của các di vật và kỷ vật đã được chụp lại và lưu giữ dưới dạng bản sao tại Trung tâm Việt Nam - Đại học Công nghệ Texas (Hoa Kỳ) (VNCA). Những bản sao này được xem như bản gốc bởi nó chứa đựng nhiều thông tin riêng tư mà thân nhân các gia đình liệt sĩ liên quan chưa bao giờ nhìn thấy.

sáng 10/7. Ảnh: Hương Sen
Lễ trao trả hồ sơ, chứng tích chiến tranh cho thân nhân các liệt sĩ và cựu chiến binh Việt Nam là kết quả của sự phối hợp giữa Trung tâm Việt Nam, Hội Việt - Mỹ, Tổ chức Trái tim người lính Việt Nam, Câu lạc bộ "Mãi mãi tuổi 20" và "Kỷ vật kháng chiến" thực hiện. Từ hơn 200 bộ hồ sơ, dữ liệu chứng tích chiến tranh được Trung tâm Việt Nam trao tặng cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia III quản lý, Tổ chức Trái tim người lính Việt Nam đã biên soạn và giới thiệu tóm tắt gần 50 hồ sơ lên mạng xã hội. Sau đó, các nhóm tình nguyện viên của Câu Lạc bộ "Mãi mãi tuổi 20" và "Kỷ vật kháng chiến" ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, theo những thông tin và địa chỉ có trong hồ sơ đã đến từng thôn xóm của các xã, phường, để trực tiếp tìm kiếm và xác minh…
Kết quả, sau gần 2 tháng nỗ lực thực hiện, các nhóm tình nguyện viên đã tìm được thân nhân của 22 liệt sĩ và cựu chiến binh còn sống liên quan đến các hồ sơ chứng tích trên để trao trả.
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Đặng Thanh Tùng đánh giá, sự kiện trao trả hồ sơ, chứng tích là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn, lịch sử và đối ngoại sâu sắc. Sự kiện không chỉ cùng nhau nhìn lại chặng đường 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ, mà còn góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác, phát triển giữa hai nước mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Với ký ức được gìn giữ, với sự hợp tác được bồi đắp bằng thiện chí và trách nhiệm, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ hứa hẹn một tương lai tươi sáng, vì lợi ích của nhân dân hai nước, và vì một thế giới hòa bình, ổn định, nhân văn và phát triển.
Nhịp cầu ký ức - hòa giải
Trong số những gia đình được trao trả hồ sơ, chứng tích chiến tranh, câu chuyện của chị Trần Thu Hà, cháu liệt sĩ Trần Văn Phú (hồ sơ F034602421337) đã để lại ấn tượng sâu sắc. Chứng tích được trao trả bao gồm Giấy chứng minh và Sổ lịch có tên Trần Văn Phú - Trung đội trưởng, đơn vị Trung đoàn 90 sư đoàn 324.
Chị Trần Thu Hà chia sẻ với niềm xúc động: "Sau bao nhiêu năm tìm kiếm, gia đình chúng tôi hiện vẫn chưa tìm được hài cốt liệt sĩ Trần Văn Phú. Khi nhận được tin mời tham dự buổi lễ hôm nay, gia đình chúng tôi rất xúc động và biết ơn. Chúng tôi cảm thấy như một phần linh hồn của chú đã trở về với gia đình. Mấy hôm nay, ngày nào gia đình tôi cũng thắp hương và chuyện trò với chú, mời chú tới dự buổi lễ này. Hiện sau rất nhiều năm tìm kiếm, gia đình đã khoanh vùng được tọa độ chú hy sinh, và rất mong sau dịp này sẽ được cơ quan chức năng tại địa phương cho phép tìm kiếm hài cốt chú tại đó".
Liệt sĩ Trần Văn Riểu (hồ sơ F034604500542) với chứng tích gồm 2 cuốn sổ tay, chứa các mục ghi chép viết tay từ ngày 28/12/1965 đến ngày 18/9/1968. Nội dung hồ sơ gồm tiểu sử cá nhân, các nhiệm vụ quân sự, báo cáo quân số đơn vị, danh sách cán bộ chính trị, hướng dẫn huấn luyện và kiểm kê vũ khí… Ông Riểu sinh năm 1942 tại làng Đồng Nhân, xã Thái Thành, Thái Ninh, Thái Bình (nay là tỉnh Hưng Yên), có vợ là bà Lê Thị Dâu (còn sống) con trai Trần văn Khảm (đã chết) con gái Trần Thị Dung thường trú tại TP. Biên Hòa, nay là phường Biên Hòa, Đồng Nai.

và hồ sơ liệt sĩ Trần Văn Riểu. Ảnh: HS
Theo Hồ sơ, ông Trần Văn Riểu gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam vào 2/1961 và tạm thời giải ngũ vào 4/1963; tái triệu tập và phục vụ trong đơn vị D9/E209/F312 từ ngày 15/3/1966 đến ngày 25/1/1967. Sau đó ông được điều chuyển đến đơn vị E568 ở tỉnh Hà Bắc và khởi hành vào Nam ngày 15/9/1967. Ông đến điểm tập kết của Sư đoàn 3 tại Quảng Ngãi vào ngày 31/12/1967 và chuyển đến khu tập kết của Quân khu 5 vào ngày 15/1/1968, trước khi tiến vào Bình Định, một chiến trường chủ yếu trong và sau Tết Mậu Thân. Cơ cấu đơn vị và lãnh đạo có ghi trong tài liệu thuộc đơn vị C63 (có thể là Đại đội 6, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn Quyết Thắng, Sư đoàn 3 QĐNDVN) tính đến ngày 12/9/1968...
Cựu chiến binh Nguyễn Công Trung, Chủ tịch Câu lạc bộ Trái tim Người lính phương Nam - người trực tiếp tham gia tìm kiếm, chọn lọc, đưa hồ sơ liệt sĩ Trần Văn Riểu từ Trung tâm Việt Nam về nước chia sẻ, hồ sơ của liệt sĩ Trần Văn Riểu khá chi tiết, là những gì thân nhân họ mong muốn tìm giữ.
"Là một người lính, tôi cảm nhận được sự đau thương, mất mát của thân nhân gia đình liệt sĩ, thấu hiểu được niềm vui của gia đình khi tìm được kỷ vật của người thân. Vì vậy, tôi đã đồng hành với các tổ chức, cá nhân trong việc đưa các kỷ vật của người đã khuất cho những người còn sống, nhất là trong cái tháng 7 thiêng liêng này" - Cựu chiến binh Nguyễn Công Trung nhấn mạnh.
Cùng với niềm vui của gia đình liệt sĩ Trần Văn Riểu, thân nhân, gia đình các liệt sĩ cũng bày tỏ nhiều câu chuyện cảm động. Về liệt sĩ Nguyễn Thanh Lan (hồ sơ F034606951925), quê quán Trung Sơn, Đô Lương, tỉnh Nghệ An, khi gia đình nhận lại chứng tích là Quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Lan từ Đại đội trưởng lên Phó Tiểu đoàn trưởng đã rất bất ngờ và xúc động. Anh Nguyễn Hồng Sơn, con trai liệt sĩ cho hay đây là những thông tin gia đình chưa từng biết đến do chiến tranh, mất liên lạc kéo dài.
Hay câu chuyện về liệt sĩ Nguyễn Văn Đề (hồ sơ F034609141040) quê nhà tại Lê Lý, Bắc Giang. Chứng tích là một cuốn sổ tay viết tay dài 29 trang, cung cấp đầy đủ thông tin về nhập ngũ, huấn luyện và quá trình hành quân đi B đến tỉnh Long An để chiến đấu và hy sinh. Gia đình ông Đề có 1 anh trai, 1 em trai và 2 em gái còn sống. Ông Nguyễn Văn Đốc (em trai liệt sĩ) cho biết, các tài liệu liệt sĩ giữ được chứng minh cho quá trình chiến đấu, cống hiến và quên mình cho Tổ quốc của liệt sĩ Nguyễn Văn Đề nói riêng và các chiến sĩ nói chung. Đồng thời, cho thấy sự gìn giữ, bảo quản của các tổ chức của Hoa Kỳ; phản ánh lòng tin tưởng, hòa giải giữa hai bên và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước.