Thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ở Đảng bộ Agribank Bài cuối: Hướng tới hiệu quả toàn diện, bền vững
Việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và đổi mới mô hình tăng trưởng đặt ra nhiệm vụ cấp thiết về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đây không chỉ là yêu cầu chính trị, pháp lý mà còn là giải pháp chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của mỗi tổ chức, doanh nghiệp. Agribank - ngân hàng thương mại chủ lực trong đầu tư cho "Tam nông" cũng không nằm ngoài guồng quay đó.
Chuyển biến mạnh mẽ
Trong giai đoạn 2021 - 2024, Agribank đã chú trọng hoàn thiện thể chế nội bộ và tăng cường kiểm soát quy trình, coi đây là giải pháp nền tảng chống lãng phí một cách bền vững.
Toàn hệ thống Agribank đã ban hành 110 văn bản liên quan đến phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và sửa đổi, bổ sung 376 định chế tài chính nội bộ. Các văn bản này không chỉ nhằm siết chặt kỷ luật tài chính mà còn cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động doanh nghiệp nhà nước.

Tiêu biểu, Chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025 do HĐTV Agribank ban hành kèm theo Quyết định số 316/QĐ-HĐTV-TCKT ngày 18/4/2025; đã xác định rõ 5 nhóm giải pháp trọng tâm, giao chỉ tiêu cụ thể về tiết kiệm cho từng đơn vị, đồng thời tích hợp nội dung này vào tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng và hiệu quả quản trị đơn vị.
Bên cạnh đó, Kế hoạch số 42-KH/ĐU-NHNo của Đảng ủy Agribank về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát gắn với thực hành tiết kiệm và các văn bản như Quy chế tài chính nội bộ, Quy chế đầu tư và quy định về định mức sử dụng tài sản công đã được cập nhật thường xuyên, nhằm bảo đảm việc sử dụng ngân sách, tài sản và nguồn lực của ngân hàng tuân thủ nguyên tắc "đúng - đủ - tiết kiệm - hiệu quả".
Trên cơ sở đó, Agribank đồng bộ triển khai việc giảm mạnh chi phí điện, nước, văn phòng phẩm, chi phí hội họp và tiếp khách; cắt giảm tầng nấc trung gian trong mô hình tổ chức; sáp nhập các phòng ban có chức năng trùng lặp; ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát và vận hành, họp giao ban...
Những biện pháp này không chỉ giúp tiết giảm chi phí thường xuyên mà còn góp phần lan tỏa văn hóa tiết kiệm, nâng cao ý thức trách nhiệm sử dụng nguồn lực trong toàn hệ thống, tạo nền tảng vững chắc cho chiến lược phát triển bền vững của Agribank.
Cắt bỏ những khoản đầu tư dàn trải
Trong đầu tư và mua sắm, Agribank đã chủ động rà soát toàn bộ danh mục các dự án công nghệ, chỉ giữ lại những hạng mục thực sự trọng yếu, cấp thiết; đồng thời, cắt bỏ hoặc giãn tiến độ các khoản đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp. Các sản phẩm công nghệ mới được lựa chọn theo nguyên tắc ưu tiên tính mở, khả năng tích hợp cao và tương thích lâu dài, nhằm giảm thiểu chi phí bảo trì, nâng cấp về sau.

Song song với đó, hệ thống phần mềm giám sát đấu thầu và quản lý đầu tư được triển khai giúp phát hiện sớm các rủi ro, bất thường trong quá trình triển khai các gói thầu, từ đó kịp thời cảnh báo, xử lý và ngăn ngừa vi phạm ngay từ khâu lập kế hoạch. Những kết quả đạt được không chỉ nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư mà còn góp phần xây dựng văn hóa quản trị minh bạch, kỷ luật và có trách nhiệm trong toàn hệ thống.
Có thể thấy, những kết quả trên là minh chứng rõ nét cho nỗ lực chuyển hóa quan điểm tiết kiệm thành hành động quản trị hiệu quả và văn hóa nội tại. Agribank đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với tinh thần chủ động, nhất quán trong toàn hệ thống.
Đảng ủy Agribank xác định, tiết kiệm không chỉ là một nguyên tắc đạo đức mà còn là trụ cột trong quản trị chiến lược; là phương thức cụ thể để nâng cao năng suất, tối ưu chi phí và tạo dư địa tài chính phục vụ sứ mệnh chính trị của ngân hàng thương mại nhà nước chủ lực.
Với phương châm đó, Chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025 của Agribank tập trung vào 5 trụ cột chính như rà soát toàn diện các lĩnh vực có khả năng tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sử dụng ngân sách; tăng cường quản trị chi phí thông qua số hóa và tự động hóa quy trình kiểm soát nội bộ; triển khai chương trình thi đua tiết kiệm, hiệu quả gắn với đổi mới sáng tạo tại đơn vị cơ sở; kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư, mua sắm; đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra và giám sát thực hiện chương trình tiết kiệm, chống lãng phí...
Điểm mới nổi bật của Chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025 là việc xây dựng chỉ tiêu tiết kiệm cụ thể cho từng lĩnh vực, từng đơn vị và từng cấp quản lý, từ trụ sở chính đến chi nhánh các cấp trực thuộc trong toàn hệ thống, gắn với công cụ quản trị hiện đại và công khai hóa kết quả thực hiện.
Điều này thể hiện tư duy quản lý theo hướng "lấy dữ liệu làm nền tảng, lấy hiệu quả làm mục tiêu" và chuyển dần từ "phong trào tiết kiệm" sang hệ thống tiết kiệm có đo lường, kiểm chứng, đánh giá định lượng rõ ràng.
Trong bối cảnh chuyển đổi mô hình phát triển, thích ứng với các yêu cầu đổi mới toàn diện về quản trị, Chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025 của Agribank không chỉ đơn thuần là biện pháp điều tiết tài chính mà còn là một chiến lược quản trị nguồn lực gắn với văn hóa liêm chính và trách nhiệm xã hội.
Chương trình vì thế không chỉ góp phần tiết giảm chi phí một cách khoa học, mà còn khơi dậy động lực nội sinh cho đổi mới toàn diện, đóng vai trò như một đòn bẩy quản trị để Agribank hoàn thành xuất sắc sứ mệnh phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn phát triển mới.