Những câu đối thờ

04/02/2007 00:00

Đất nước ta trải qua những chặng đường lịch sử dài dằng dặc. Từ thuở Hùng Vương, hạc trắng bay từng đôi trên núi Nghĩa Lĩnh và tiếng chày giã gạo quanh vùng đất Thậm Thình, cho đến những chiến công chống giặc ngoại xâm thời Lý, Trần, Hậu Lê và thời Quang Trung – Nguyễn Huệ, một trong những nét đẹp nhất về văn hóa quân sự, cũng tức là sáng chói nét nhân văn của một dân tộc vừa đánh giặc vừa làm thơ, vừa múa giáo vừa hát ca, ấy là những câu đối thờ các bậc tiên liệt, các võ tướng lừng danh.

      Chỉ cần điểm một số câu đối nơi đền thờ, nơi lăng miếu cũng đủ làm cho mọi người cảm nhận được lòng tự hào dân tộc. Và, nếu nói như Ngô Thì Nhậm – một danh nhân văn hóa – quê Thanh Trì, Hà Nội thì lại càng đẹp, càng hay: “Hạnh tại sinh Nam bang” (May thay được sinh ở nước Nam).
      Năm 40-43, Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của quân xâm lược Đông Hán. Câu đối ngợi ca Hai Bà, nhân dân Hà Nội truyền tụng:
            Cân quốc phong phi khinh Hán tặc
            Tinh kỳ nhật lệ tán Trưng Vương
            (Dải yếm gió bay khinh giặc Hán
            Lá cờ trời mở giúp vua Trưng)
      Bà Triệu – Triệu Thị Trinh – lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân Ngô năm 248. Câu đối thờ bà ở đền Bà Triệu, xã Phú Điền, Hậu Lộc, Thanh Hóa:
            Nhất thốc sùng từ
            Na Lĩnh căn cơ kim tượng Lĩnh
            Thiên thu thẳng tích
            Phú Điền phong cảnh tích Bồ Điền

            (Một nóc đền cao
            Na Lĩnh nền xưa, nay tượng Lĩnh
            Nghìn thu tích cũ
            Phú Điền cảnh đó, trước Bồ Điền)
      Đứng dưới cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng có nhiều tướng giỏi. Tướng Nguyễn Tam Trinh là một trong những vị tướng “Quản gì ngọn giáo, mũi tên/Ngựa phi vào chốn trận tiền giao tranh”. Ông cũng là một đô vật lừng danh và là ông tổ của lò vật nổi tiếng nơi kinh thành Thăng Long xưa – làng Mai Động:
            Đình triều cổ mộc âm sâm,
            Thụ sắc như thôi Tô Bắc khứ
            Từ ngoại hàn đàm khoan kích
            Thủy binh do hận Mã Nam lai
            (Cây xưa trước miếu um tùm
            Màu lá biếc như thúc đuổi giặc Tô về đất Bắc
            Đầm lạnh ngoài đền rợn sóng
            Tiếng nước reo còn căm hờn quân Mã tới phương Nam)
      Ông Phạm Tu là một danh tướng của Lý Nam Đế (Lý Bí, cũng gọi là Lý Bôn). Tháng 1.542, Lý Bí dựng cờ khởi nghĩa chống quân Lương xâm lược. Phạm Tu là một tướng giỏi, là cánh tay phải của Lý Bí. Đánh đuổi xong giặc Lương, Lý Bí dựng nước Vạn Xuân. Câu đối thờ Phạm Tu ở Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội – quê ông:
            Tướng sử Lục triều, Lương địch quốc
            Thần bi nhất Phạm Liệt danh hương

            (Chống quân Lương thời Lục triều, dũng tướng lừng danh sử chép
            Dòng họ Phạm đất Thanh Liệt, thần võ còn dấu bia truyền)
      Thống soái Trần Hưng Đạo, tên ông sáng rực ở hàng đầu võ tướng Việt Nam, chiến công xuất sắc mà ông cùng quân sỹ nhà Trần lập nên đã đi vào lịch sử. Nhân dân tôn vinh ông là Đức Thánh Trần. Đền thờ ông ở Kiếp Bạc, Hải Dương, ở đền Trần, Nam Định và nhiều nơi khác. Đây là câu đối ở đền thờ ông, nguyên thuộc xã Vạn An, tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương, nay là phường Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội:
            Bạch Đằng thủy trận lưu thanh tích
            Đông Hải hùng binh vạn cổ thần

            (Trận Bạch Đằng dấu tích còn mãi
            Binh Biển Đông nghìn xưa hóa thần)
      Và đây là một câu đối ngợi ca chiến thắng của quân sỹ thời Trần dưới sự chỉ huy của thống soái Trần Hưng Đạo:
            Chương Dương dấu tích thiên thu tự
            Hàm Tử linh từ vạn cổ xuân
            (Dấu tích bến Chương Dương từ nghìn xưa vọng lại
            Đền thiêng đất Hàm Tử còn mãi với mùa xuân)
      Phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội có bia thờ Thượng tướng Trần Khát Chân. Ông là vị tướng đã “khai tử” Chế Bồng Nga chỉ huy quân Chiêm đánh phá Kinh thành Thăng Long năm 1589:
            Phù Trần chúa, bình Chiêm binh
            Triều đại kỷ cương công bất hủ
            Phỏng Mai thôn, vọng Đốn tích
            Giang Sơn y cựu miếu trùng quang
            (Phù vua Trần, dẹp quân Chiêm
            Bao triều đại đổi thay, công lao không mai một
            Thăm làng Mơ, ngóng núi Đốn
            Dải non sông nguyên vẹn, đền miếu vẫn uy nghi)
      Tướng Nguyễn Tri Phương giữ thành Hà Nội. Ngày 20.11.1873, quân Pháp đánh thành Hà Nội. Ông cùng con là Phò mã Nguyễn Lâm giữ thành. Ông bị thương nặng rồi mất. Nguyễn Lâm hy sinh tại thành. Tướng Hoàng Diệu chỉ huy quân sỹ thành Hà Nội. Ngày 25.5.1882, H.Rivie lệnh cho lính Pháp đánh thành. Cuộc chiến đấu rất quyết liệt. Hoàng Diệu tử tiết tại thành. Câu đối thờ Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu ở miếu Trung Liệt, gần ấp Thái Hà, Hà Nội:
            Thử thành quách, thử giang sơn
            Bách chiến phong trần sư xích địa
            Vi nhật tình, vi hà nhạc
            Thập niên tâm sự cộng thanh thiên

            (Đây thành quách, đây non sông
            Trăm trận phong trần còn đất đỏ
            Là trăng sao, là gò núi
            Mười năm tâm sự thấu trời xanh)
      Xin được thắp nén hương trên bàn thờ các bậc tiên liệt với tấm lòng thành kính, biết ơn.

Tạ Hữu Yên (Theo Văn hóa quân sự)

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Những câu đối thờ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO