Khi những "chỗ dựa tinh thần" trở thành "quả bom"tâm lý
Thi vào lớp 10 ở Hà Nội, bên cạnh những thí sinh đang vui mừng vì kết quả đỗ như mình mơ ước thì cũng có không ít thí sinh buồn bã, nhiều suy nghĩ vì điểm số không như mong muốn. Các em phải đối mặt với sự dằn vặt của bản thân, sự hối hận muộn màng hay sự tiếc nuối vì kém may mắn. Có quá nhiều cảm xúc mà một cô cậu học trò 15 tuổi phải trải qua cùng một thời điểm.
Đã vậy, các em còn phải đối diện với ánh mắt, hành động, lời nói tiêu cực từ cha mẹ, những người thân gần gũi nhất, là chỗ dựa tinh thần của mình. Điều này khiến cảm xúc và tâm lí của các em chìm sâu vào hổ thẹn, tự ti rồi dần dần lâm vào bế tắc, trầm cảm.
Tại Hà Nội, chỉ sau vài ngày công bố điểm thi, đã có trường hợp nam sinh nhảy cầu Long Biên. Mới đây, Khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E, đã tiếp nhận một nam sinh tại Hà Nội vào khám vì các rối loạn tâm thần do áp lực thi cử.
Người nhà cho biết sau kỳ thi vào lớp 10, học sinh này chán nản, không dám về nhà vì điểm số không như kỳ vọng.
Sau đó, nam sinh dùng dao cắt tay và cổ để tự sát, gia đình phát hiện nên đưa em vào bệnh viện cấp cứu. Khi sức khỏe thể chất ổn định, bệnh nhân được chuyển qua điều trị sức khỏe tâm thần.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2023-2024, thành phố có 133.000 học sinh lớp 9 dự thi lớp 10.
Các trường THPT trên địa bàn thành phố sẽ tuyển 100% học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10, trong đó 61% được tuyển vào trường công lập.
Cụ thể, sẽ tuyển khoảng 81.200 học sinh vào lớp 10 THPT công lập. Các em còn lại sẽ vào trường THPT tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các trường nghề có giảng dạy văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.
Với đa số bậc phụ huynh, việc cho con vào trường công lập là mục tiêu quan trọng bởi học trường sẽ "dễ thở" về học phí, chất lượng đào tạo đồng đều, có sự giám sát từ nhiều phía... Vì vậy nhiều phụ huynh mặc định con mình phải vào trường công và tạo áp lực để học và thi bài thi của Sở.
Theo Chuyên gia tâm lý học đường, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục TS. Hoàng Trung Học, sự kỳ vọng vào thành công của con cái là đặc điểm tâm lý của phụ huynh. Trong thực tế, nhiều phụ huynh đồng nhất thành công của con chính là thành công của mình, vì vậy khi con thất bại, cha mẹ bị căng thẳng tâm lí, dẫn đến những cảm xúc và hành vi mất kiểm soát.
Mặc dù trong sâu thẳm tâm hồn, họ rất thương con nhưng lại thể hiện ra bên ngoài bằng những hành động, thái độ ngược lại như mắng nhiếc, lạnh lùng, bỏ rơi, chỉ trích con … Đây cũng là phản ứng tự vệ của phụ huynh trước sự thất bại của con mình.
Tỉnh táo cùng con đưa ra lựa chọn phù hợp nhất
TS. Hoàng Trung Học cho biết, về mặt khoa học, có hai trạng thái áp lực, đó là stress tiêu cực và stress tích cực. Stress tích cực là áp lực vừa sức, có thể giúp con người huy động được sự nỗ lực, khả năng tập trung và sáng tạo để vượt qua khó khăn. Qua mỗi lần vượt qua được áp lực, con người sẽ trở nên mạnh mẽ, tăng cường khả năng thích ứng, khai mở nhiều năng lực mới.
Stress tiêu cực là những áp lực vượt ngưỡng chịu đựng của con người, thường xuất hiện khi con người không có giải pháp ứng phó, không đủ năng lực thích ứng, làm cho để vấn đề trở nên trầm trọng. Từ đây, sẽ xuất hiện những rối loạn tâm thần, thể hiện qua những vấn đề về cảm xúc và hành vi.
Tại kỳ thi lớp 10 vừa qua, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, do áp lực phải vào trường công, một số em gặp phải stress tiêu cực do vượt quá khả năng chịu đựng. Một số em xuất hiện triệu chứng đáng lo ngại về sức khỏe tâm thần, thể hiện qua phản ứng như tự xâm kích,làm đau bản thân, rơi vào trạng thái stress cấp tính, trầm cảm, thậm chí một số em có hành vi tự tử.
TS. Hoàng Trung Học khẳng định, thời điểm này, cha mẹ cần làm chỗ dựa tinh thần thông thái của con trong những thời khắc khó khăn. Cha/mẹ cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn về tình huống của con, có cách thức thể hiện cảm xúc, hành động phù hợp khi con không đạt kết quả thi cấp 3 như mong muốn.
Đối với những giải pháp về tâm lý để cho phụ huynh và học sinh trong vấn đề hậu thi cử, TS. Hoàng Trung Học cho biết, cha mẹ sáng suốt khi hướng nghiệp cho con nhất định phải chuẩn bị phương án 2 và sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.
“Bên cạnh những phương án tối ưu còn có những phương án an toàn. Bởi trong thi cử không có gì đảm bảo con bạn sẽ đạt được 100% trạng thái làm bài tốt nhất. Có nhiều biến số quyết định thành công trong việc đạt được nguyện vọng thi vào cấp 3 của con. Đôi khi “học tài thi phận”. TS. Hoàng Trung Học chia sẻ.
Tiếp theo, cần giúp con nhận thức được rằng, thi vào cấp 3 chỉ là khởi đầu cho một quá trình học tập – hướng nghiệp. Do đó, “đỗ thì vui thôi đừng vui quá và trượt cũng buồn thôi đừng buồn quá”.
Trượt cấp 3 không có nghĩa là thất bại trong tương lai. Sự thành công không nhất thiết cứ phải thi vào cấp 3 công lập, đỗ nguyện vọng 1. Có nhiều cách thức, con đường thành công, thậm chí học ở trường tư, học nghề, học GDTX vẫn có cơ hội thành công.
Về mặt hành động, đây là lúc cha mẹ cần gần con nhất, để con cảm nhận được tình yêu thương, được hỗ trợ tinh thần trong tình huống khó khăn.
Cần tránh tình trạng nỗi buồn của cha mẹ chuyển hoá thành hành động tiêu cực dẫn đến mất kiểm soát, mắng chửi, trì triết con. Đó là hành động không phù hợp.
“Điều quan trọng nhất là cần ngồi lại với con để giải quyết vấn đề học ở đâu, chọn trường nào cho hợp lí với hoàn cảnh sau khi không đỗ nguyện vọng 1. Trong những phương án tệ hãy chọn phương án ít tệ nhất. Khi tìm được lối thoát cho tình huống, những xúc cảm âm tính của cha mẹ và con cái sẽ giảm đi.” TS. Hoàng Trung Học cho biết.