Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Thấu đáo những vấn đề có quan điểm trái chiều

- Thứ Năm, 09/03/2023, 06:32 - Chia sẻ

NGUYỄN THỊ OANH - PHÓ CHÁNH VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND TỈNH ĐỒNG NAI

Có thể nói, Luật Đất đai là một văn bản luật được quan tâm bậc nhất trong quá trình xây dựng hay sửa đổi, bổ sung. Bởi lẽ, đất đai là nguồn của cải, là một tài sản cố định hoặc đầu tư cố định, liên quan trực tiếp, thiết thực đến đời sống của mọi người. Chính vì vậy, việc có nhiều quan điểm trái chiều là điều đương nhiên và vấn đề này cần được giải quyết một cách thấu đáo. Từ kết quả tổng hợp các ý kiến góp ý gửi về Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai, có thể thấy 6 vấn đề lớn có quan điểm trái chiều liên quan đến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Công khai trên các trang thông tin điện tử

Về việc lấy ý kiến, Dự thảo Luật xác định có 3 việc cần lấy ý kiến, đó là (1). Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại Điều 68; (2). Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Điều 85 và (3). Lập phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm Điều 105. Đối với nội dung (3) không có ý kiến khác nhau nhưng nội dung (1) và (2) có hai luồng ý kiến.

Ý kiến cần đẩy mạnh công khai cho rằng, việc tham gia đóng góp ý kiến của Nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhất là ở cấp huvện vẫn còn bất cập, dẫn đến kết quả lấy ý kiến và công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với những vùng khó khăn như vùng đồng bào dân tộc, vùng núi... còn hình thức. Do đó, cần công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng khác như: Báo chí; đài phát thanh, đài truyền hình; niêm yết công khai tại điểm dân cư; niêm yết tại Nhà Văn hóa ấp, thôn, bản, quy định thời gian 30 ngày làm việc kể từ ngày công khai thông tin về nội dung lấy ý kiến. Tuy nhiên, ý kiến khác cho rằng, việc mở rộng niêm yết, trưng bày tại nơi công cộng khó khả thi do việc bảo quản tài liệu gồm: báo cáo thuyết minh, bản đồ trong suốt thời gian công khai lấy ý kiến khó thực hiện. Thiết nghĩ, trong bối cảnh toàn xã hội thực hiện chuyển đổi số, lựa chọn việc công khai trên các trang thông tin điện tử đã là đầy đủ và bảo đảm tính minh bạch.

Hướng dẫn cụ thể ở văn bản dưới Luật

Đối với các trường hợp Nhà nước cho thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê (quy định tại Điều 120). Ý kiến thống nhất phân tích từ thực tế hiện nay, có nhiều loại dự án, đơn cử như dự án du lịch nghỉ dưỡng đang là mô hình có nhu cầu rất lớn trong xã hội, là các công trình được xây dựng trên đất thương mại dịch vụ. Đối với loại hình này, chủ đầu tư phải bỏ ra giá trị lớn để đầu tư nên rất cần tính ổn định về pháp lý, từ đó cần được khuyến khích cho đóng tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê để có thể yên tâm đầu tư phát triển. Ý kiến khác lại cho rằng, hình thức thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê thời gian vừa qua thể hiện bất cập trong việc bảo đảm bền vững nguồn thu từ đất. Nhà nước nên cho trả tiền thuê đất hàng năm để tạo ra nguồn thu ổn định, thường xuyên cho ngân sách nhà nước và quy định rõ việc thu tiền thuê đất hàng năm phải tính thời giá tại năm nộp tiền, đối với các trường hợp chậm nộp tiền phải có chế tài.

Đối với việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất (Điều 71). Khoản 3 quy định: “Trong quá trình tổ chức thực hiện có thể điều chỉnh về quy mô, địa điểm và số lượng dự án, công trình hoặc nhu cầu sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân nhưng không làm thay đổi về chỉ tiêu sử dụng đất theo loại đất và khu vực sử dụng đất theo chức năng trong quy hoạch sử dụng đất.” Ý kiến thống nhất đánh giá, quy định này sẽ tạo điều kiện rất lớn trong quá trình triển khai thực hiện các dự án giao thông. Do hướng tuyến các tuyến đường giao thông trong quy hoạch sử dụng đất chỉ mang tính định hướng, khi lập dự án đầu tư sẽ tổ chức khảo sát địa hình, địa chất để xác định cụ thể hướng tuyến, điều chỉnh các bán kính cong để phù hợp với tốc độ thiết kế. Do đó, hướng tuyến của dự án đầu tư sẽ có sai lệch so với bản đồ quy hoạch sử dụng đất nên việc cho phép điều chỉnh sẽ tạo thuận lợi và nên làm.

Nhưng ý kiến băn khoăn cho rằng, nếu quá trình thực hiện quy hoạch mà cho phép điều chỉnh về quy mô, địa điểm, số lượng dự án, nhu cầu sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quy hoạch đã được phê duyệt, làm cho quy hoạch thiếu ổn định, ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân và rất dễ bị lạm dụng trong quá trình thực hiện. Thiết nghĩ, vấn đề này cần được hướng dẫn cụ thể ở văn bản dưới Luật.

Hủy bỏ thu hồi đất: không quá 5 năm đối với trường hợp bất khả kháng

Về hủy bỏ thu hồi đất (quy định tại Điều 74), ý kiến thống nhất với dự thảo cho rằng việc tổ chức rà soát, xử lý và công bố, công khai việc hủy bỏ thu hồi đất, chuyển mục đích đối với đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất cấp huyện mà sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất là phù hợp. Tuy nhiên, cần xem xét thời gian 3 năm nếu vì yếu tố bất khả kháng hay yếu tố lỗi của cơ quan quản lý nhà nước trong việc hướng dẫn thực hiện các thủ tục hành chính, cần quy định thời gian dài hơn nhưng không quá 5 năm.

Quan điểm không nhất trí cho rằng, quy định 3 năm là không thực hiện được, do hiện nay một số dự án đầu tư công phải thực hiện rất nhiều quy trình (Chủ trương đầu tư, xây dựng, quy hoạch, kế hoạch, thu hồi đất bồi thường, công khai, lấy ý kiến….); quá trình thực hiện có sự điều chỉnh (tổng mức đầu tư, thiết kế kỹ thuật); công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khó khăn. Do đó, xảy ra việc dự án đang thực hiện các thủ tục kiểm kê, thu hồi đất nhưng quá 3 năm chưa hoàn thành phải hủy bỏ kế hoạch sẽ khó khăn cho quá trình thực hiện tiếp theo. Tuy nhiên, đây là những nguyên nhân chủ quan nên thiết nghĩ quan điểm thứ nhất là phù hợp.

Gia hạn thời hạn sử dụng đất nông nghiệp theo hướng rút gọn

Liên quan đến việc gia hạn thời hạn sử dụng đất nông nghiệp (Điều 166). Từ lập luận cho rằng, việc quyết định thời hạn giao đất là quyền của đại diện chủ sở hữu (Nhà nước), khi hết thời hạn nhưng không phải làm thủ tục gia hạn có thể ảnh hưởng tới quyền (quyết định) của đại diện chủ sở hữu và không bảo đảm, thống nhất và mâu thuẫn về mặt pháp lý (vì khi giao thì có quyết định giao và có thời hạn, khi hết thời hạn lại không cần làm thủ tục). Do đó, kiến nghị nên quy định khi hết thời hạn phải làm thủ tục gia hạn nhưng phải quy định thủ tục theo hướng đơn giản, rút gọn; bảo đảm đúng nguyên tắc về điều kiện thực hiện quyền của người sử dụng đất đã được quy định là “trong thời hạn sử dụng đất”, đồng thời để tránh tình trạng bỏ hoang không canh tác đất nhưng vẫn sở hữu quyền sử dụng đất.

Theo chiều ngược lại, ý kiến đề nghị sửa Luật theo hướng không quy định thời hạn sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình cá nhân, vì trên thực tế, khi hết hạn sử dụng đất nông nghiệp, hộ gia đình cá nhân luôn tiếp tục được cơ quan nhà nước cho phép gia hạn, do đó việc quy định thời hạn trở thành một quy định thừa. Vấn đề này, thiết nghĩ quan điểm thứ nhất có sức thuyết phục hơn.

Rõ trách nhiệm cung cấp thông tin về đất đai

Đối với thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai (Điều 225): quy định tất cả các vụ việc tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất đều do Tòa án giải quyết trong khi cơ quan cung cấp hồ sơ, tài liệu là UBND các cấp thì việc kéo dài thời gian xử lý vụ việc là điều sẽ xảy ra. Mặt khác trong thực tế, có nhiều vụ việc đơn giản có thể giải quyết được tại UBND các cấp, khi Tòa án thụ lý sẽ mất rất nhiều thời gian, công đoạn.

Ý kiến phản biện cho rằng, việc chuyển thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho Tòa án là phù hợp với bản chất pháp lý của việc giải quyết tranh chấp và phù hợp với Chiến lược cải cách tư pháp trong giai đoạn tới. Bỏ khiếu nại qua UBND các cấp là phù hợp với xu hướng phát triển và Tòa án hiện có quy trình "tiền tố tụng" rất hiệu quả, là kênh hòa giải và đối thoại, đồng thời, hệ thống hồ sơ, dữ liệu đất đai đã được cải thiện nhiều so với trước đây sẽ giúp cho Tòa án thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, nếu chuyển thẩm quyền cho Tòa án, cần quy định rõ trách nhiệm cung cấp thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai (trách nhiệm, nghĩa vụ cung cấp và không cung cấp thông tin) tránh gây khó khăn trong giải quyết tranh chấp đất đai của Tòa án.