Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Lượng hóa nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

- Thứ Tư, 08/03/2023, 06:54 - Chia sẻ

NGUYỄN THỊ OANH - Phó Chánh Văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Đồng Nai

Khoản 2, Điều 89 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nêu: “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Đây là quy định phù hợp với lợi ích và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo Nhân dân, tuy nhiên, để triển khai thực hiện trong thực tế là vấn đề rất khó định lượng cụ thể. Điều 106 cũng đã quy định về các điều kiện để xây dựng các khu tái định cư và thứ tự ưu tiên lựa chọn địa điểm tái định cư. Tuy nhiên, hiện tại chưa có tiêu chí cụ thể nào về việc cấp tái định cư và chưa quy định phải hoàn thành khu tái định cư bao nhiêu ngày trước khi tiến hành thu hồi đất.

Khó lượng hóa

Điều 89 về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất trong Dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung trình tự thủ tục về việc tổ chức họp để phổ biến, tiếp nhận ý kiến của người dân về chủ trương, chính sách có liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tổ chức triển khai thực hiện dự án; dự kiến kế hoạch triển khai các bước để thực hiện; dự kiến nhu cầu, khu vực bố trí tái định cư, nhà ở, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi xây dựng và thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm là phù hợp, nhằm tạo sự đồng thuận của người dân bị thu hồi.

Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai Thái Bảo kháo sát tại một điểm dự kiến thu hồi đất để bố trí tái định cư thuộc địa bàn thành phố Biên Hòa - ẢNH N. OANH
Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai Thái Bảo kháo sát tại một điểm dự kiến thu hồi đất để bố trí tái định cư thuộc địa bàn thành phố Biên Hòa. Ảnh: N. Oanh

Khoản 2 có nêu: “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Đây là quy định phù hợp với lợi ích và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo Nhân dân, tuy nhiên, để triển khai thực hiện trong thực tế là vấn đề rất khó.

Đơn cử như quy định “bảo đảm về thu nhập”, thực tế thu nhập của hộ gia đình từ nhiều nguồn nên sẽ khó xác định thu nhập là bao nhiêu để bảo đảm. Hay quy định “điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” cũng là một quy định khó lượng hóa. Thực tế, việc thu hồi, giải phóng mặt bằng chỉ có thời hạn một đến ba năm nhưng việc xác định thu nhập, điều kiện sống trước và sau khi thu hồi đất là không thời hạn. Khi một quy định không mang tính định lượng cụ thể sẽ khó thực hiện trong thực tiễn, gây ngộ nhận, dễ dẫn đến khiếu nại, do đó khó khả thi khi đánh giá để xác định (nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp, gia đình chính sách, người có công...). Do đó, trường hợp không quy định cụ thể được thì đề nghị bỏ khoản này vì quy định chung chung, khó lượng hóa mà thay vào đó là quy định cụ thể về khu tái định cư để qua đó thấy được nơi ở mới hơn nơi ở cũ.

Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp

Điều 106 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đã quy định về các điều kiện để xây dựng các khu tái định cư (hạ tầng kỹ thuật; hạ tầng xã hội; phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền) và thứ tự ưu tiên lựa chọn địa điểm tái định cư (tại địa bàn cấp xã nơi có đất bị thu hồi; đến địa bàn cấp huyện thuộc tỉnh, thành phố nơi có đất thu hồi, rồi mới đến địa bàn khác có điều kiện tương đương). Tuy nhiên, hiện tại chưa có tiêu chí cụ thể nào về việc cấp tái định cư và chưa quy định phải hoàn thành khu tái định cư bao nhiêu ngày trước khi tiến hành thu hồi đất, do đó cần quy định nếu không hoàn thành thì phải có phương án bồi thường thay thế. Phương án này cũng cần có thời hạn nhất định, do đó cần quy định thời gian người dân sinh sống trong khu tái định cư tối đa bao lâu và cần làm rõ “điều kiện tương đương” theo quy định ở đây là gì; tương đương là về mặt địa lý hay tương đương về các tiêu chí do địa phương đề ra.

Thực tế, cử tri phản ánh việc Nhà nước chậm giao đất tái định cư nên người dân bị thiệt thòi do phải đóng tiền sử dụng đất cao hơn rất nhiều so với giá bồi thường, do đó cần có hướng xử lý cụ thể đối với các trường hợp này. Luật cũng cần có quy định cụ thể về (1). Bố trí tái định cư cho người bị thu hồi đất bị giải tỏa nhà ở (xây dựng trên đất không phải là đất ở) và không còn chỗ ở nào khác; (2). Suất tái định cư tối thiểu và (3). Quy định rõ về việc mua suất tái định cư, vì đại biểu phản ánh chính sách tái định cư còn một số bất bập (có trường hợp người dân có 2.000m2 đất nông nghiệp nhưng không có nhà nên không được tái định cư trong khi trường hợp có diện tích đất rất nhỏ có xây dựng trái phép thì được tái định cư). Việc bố trí tái định cư phải bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tránh xảy ra các tranh chấp dai dẳng kéo dài dễ trở thành điểm “nóng” cho các đối tượng thù địch lợi dụng các quyền tự do dân chủ để kích động, chống phá Đảng và Nhà nước.

Vấn đề sau cùng, nên nghiên cứu tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.