Dự đại hội có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry.
Cùng dự còn có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ủy ban Dân tộc; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh và 260 đại biểu đại diện cho 424.000 đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh.
Nhiều ưu đãi đặc biệt cho đồng bào DTTS
Báo cáo tại Đại hội, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng Lý Rotha cho biết, giai đoạn 2019 - 2024, Sóc Trăng đã hỗ trợ xây dựng 14.826 căn nhà cho hộ nghèo, trong đó có 6.184 hộ DTTS; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, vay vốn chuyển đổi nghề, hỗ trợ giống và vật tư sản xuất cho hàng chục nghìn hộ; đưa điện lưới quốc gia về vùng người DTTS; hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm... với tổng số tiền trên 2.467 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai có hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho 24.835 lao động người DTTS; giải quyết việc làm cho 42.438 lao động người DTTS; giới thiệu và cung ứng xuất khẩu lao động cho 141 lao động người DTTS. Đặc biệt, tỉnh đã hỗ trợ cho 25.760 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh; 241.012 người lao động với kinh phí thực hiện trên 452 tỷ đồng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, giai đoạn 2022-2024, tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ đất ở cho 249 hộ, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ miễn giảm học phí, cấp học bổng cho học sinh vàđối tượng thuộc chính sách nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các trường chuyên biệt, nâng cấp 9 trường Phổ thông dân tộc nội trú với số tiền 97,804 tỷ đồng. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân; chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện. Giai đoạn 2019-2024, tỉnh đã hỗ trợ BHYT cho 1.602.872 lượt người DTTS, với tổng số tiền trên 1.342 tỷ đồng.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các DTTS đạt được kết quả rõ nét hơn, các di sản văn hóa phi vật thể tiếp tục được bảo tồn và phát huy; nhiều đề tài, đề án phục dựng lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS được triển khai. Công tác tuyển chọn, quản lý, sử dụng người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và thực hiện chính sách đối với người có uy tín được quan tâm thực hiện. Trên địa bàn tỉnh hiện có 583 người có uy tín.
Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, Việt Nam là quốc gia thống nhất, gồm 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 53 DTTS, với hơn 14,2 triệu người, chiếm 14,7 % dân số cả nước.
Trong 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ III giai đoạn 2019-2024, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Sóc Trăng đã có những chủ trương đúng đắn về phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng DTTS, được đồng bào các DTTS hưởng ứng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2023 đạt 6,54%, thu nhập bình quân đầu người là 60,10 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt năm 2024 việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi có nhiều khởi sắc, tỷ lệ giải ngân ước đạt 95,12%...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các DTTS tỉnh cần phát huy những thành tựu đạt được trong 5 năm qua. Trong thời gian tới, Sóc Trăng cần tiếp tục phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 65-KL/TW ngày 30.10.2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội Khóa XIV phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, với quyết tâm chính trị cao nhất, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là cán bộ người DTTS tại chỗ và cán bộ DTTS ít người, tăng cường cán bộ có năng lực, tâm huyết đến công tác tại các địa bàn khó khăn.
Bộ trưởng đề nghị tỉnh quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề cho thanh niên người DTTS. Đồng thời, tỉnh cần phát huy tính tự lực, tự cường của các dân tộc và truyền thống đại đoàn kết dân tộc, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, tin tưởng và chung sức, đồng lòng cùng cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh thực hiện thắng lợi Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV năm 2024, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và các sự kiện chính trị, lịch sử lớn của đất nước.
Đầu tư cho đồng bào DTTS là đầu tư cho phát triển bền vững
Phát biểu tại đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn khẳng định, cộng đồng các DTTS là một bộ phận không thể tách rời và là “máu - thịt” của dân tộc Việt Nam, “no đói có nhau, sướng khổ cùng nhau”. Tỉnh ủy Sóc Trăng nhấn mạnh, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS là đầu tư cho phát triển bền vững, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; đồng thời, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào các DTTS so với bình quân chung của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng đề nghị, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Sóc Trăng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng và chính quyền địa phương về công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Lồng ghép, triển khai thực hiện tốt các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nguồn lực từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS, bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả.
Đồng thời, tăng cường vận động, tranh thủ sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội nhằm huy động thêm nguồn lực để chăm lo thực hiện các chính sách an sinh xã hội, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện cho hộ nghèo vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau. Tiếp tục thực hiện chính sách BHYT cho đồng bào DTTS.
Bên cạnh đó, quan tâm, tạo điều kiện để đồng bào các DTTS gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống; bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật, các lễ hội đặc trưng, tạo sự giao lưu văn hoá, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc. Kết hợp hài hoà giữa nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế - xã hội với giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.