Trong số các “ông lớn” ngành phân bón, Bình Điền là một đối thủ mạnh. Cụ thể, không chỉ là DN có tổng công suất sản xuất phân bón cao nhất tại Việt Nam (1.125 tấn/năm), Bình Điền còn xây dựng 5 nhà máy ở các vùng miền với từng mục tiêu khác nhau.
Điểm đặc biệt với Bình Điền hiện nay, Campuchia là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Ngoài ra, với chiến lược thâm nhập vào thị trường Thái Lan do nhu cầu phân bón đặc chủng ở thị trường này rất cao cùng với chủ trương xây nhà máy NPK 100.000 tấn tại Myanmar, quy mô và tầm ảnh hưởng trong thời gian tới của Bình Điền ở khu vực Đông Nam Á là rất lớn.
Riêng Nhà máy Ninh Bình (400.000 tấn/năm) phục vụ nhu cầu các tỉnh phía Bắc. Tuy công suất hiện nay chỉ đạt 200.000 tấn/năm, nhưng thị phần của Bình Điền ở các tỉnh phía Bắc ngày càng mở rộng.
Đây cũng là đối thủ khiến Hóa chất Lâm Thao (LAS) buộc phải đầu tư dây chuyền NPK công nghệ mới (150.000 tấn/năm) để cạnh tranh giữ thị phần. Thống kê của Công ty Chứng khoán FPT cho thấy, Bình Điền đang chiếm 28% thị phần khu vực Nam Bộ, 30% khu vực Tây Nguyên và 10% ở miền Bắc.
Phân bón Miền Nam cũng là DN lớn ở phân khúc phân NPK. Sản lượng NPK của Phân bón Miền Nam theo thống kê của Công ty Chứng khoán FPT chiếm khoảng 8% tổng sản lượng cả nước. Mới đây nhất (quý IV.2018), Phân bón Miền Nam đưa dây chuyền sản xuất phân bón 150.000 tấn/năm đi vào hoạt động (công nghệ tạo hạt tháp cao), được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao vị thế của DN này trong phân khúc NPK.
Hai “ông lớn” ngành đạm là Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau cũng có kế hoạch đưa các dây chuyền sản xuất NPK vào hoạt động. Với Đạm Phú Mỹ, dự án nâng cấp xưởng sản xuất NH3 lên 540.000 tấn/năm và dự án NPK chất lượng cao 250.000 tấn/năm với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đã chính thức vận hành vào quý III.2018. Theo ước tính của DN, khi nhà máy này đi vào vận hành sẽ đóng góp khoảng 4.186 tỷ đồng doanh thu và 303 tỷ đồng lợi nhuận.
Còn dự án NPK của Đạm Cà Mau (dự kiến quý II.2019) cũng được dự báo khá thuận lợi khi chủ động được nguồn ure hạt đục (sản phẩm chủ lực và độc quyền của Đạm Cà Mau, là nguyên liệu đầu vào của các DN sản xuất NPK); hơn nữa, thị phần ure của Đạm Cà Mau đang khá lớn (chiếm 58% thị phần khu vực Tây Nam Bộ, 24% ở Đông Nam Bộ và 38% thị phần ure ở Campuchia) nên đây cũng là kênh thuận lợi để phân phối sản phẩm NPK ra thị trường.