Tránh oan sai

- Thứ Năm, 21/04/2022, 13:10 - Chia sẻ

Trong những ngày qua, Toà án nhân dân (TAND) tỉnh Thanh Hoá lại mở phiên phúc thẩm lần 3, xét xử vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị cáo là Tiến sỹ Lê Thảo Nguyên, sinh năm 1979, quê quán tại xã Hải Hoà, huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá), cư trú tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Trước khi bị bắt giam, Nguyên là cán bộ giảng dạy tại một trường ở Thủ đô Hà Nội. Sau 18 lần đứng trước vành móng ngựa, 7 phiên toà sơ thẩm lẫn phúc thẩm, vẫn chưa bản án nào có hiệu lực pháp luật. Phía các cơ quan tố tụng thì cho rằng có tội; còn bị cáo và các luật sư thì đưa ra những lý lẽ và căn cứ chứng minh vô tội, có nhiều vi phạm về tố tụng, thiếu các căn cứ buộc tội vững chắc và đề nghị trả tự do ngay tại tòa.

Hình sự hoá giao dịch dân sự ?

Báo Đại biểu Nhân dân nhiều lần nhận được đơn kêu cứu của ông Lê Trương Ngọc – bố của bị cáo, đồng kính gửi đến nhiều cơ quan Trung ương và tỉnh Thanh Hoá trong suốt thời gian qua. Ông Ngọc cho rằng các cơ quan tố tụng huyện Tĩnh Gia và tỉnh Thanh Hóa đã giam Nguyên gần 4 năm, mở nhiều phiên tòa tuyên án 9 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là oan sai, bên phạm tội đang tố ngược, cần làm rõ những vi phạm trong tố tụng. 

Theo các kết luận điều tra của Công an huyện Tĩnh Gia, cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân, nội dung các bản án sơ thẩm và phúc thẩm, cùng các tài tiệu chứng cứ, có thể tóm tắt sự việc như sau: Bị cáo Lê Thảo Nguyên vốn là học trò cũ và có mối quan hệ thân tình với ông Hà Trọng Tân, sinh năm 1955 (nguyên là Hiệu trưởng Trường THPT Tĩnh Gia 1), vợ là bà Mai Thị Tuyết, sinh năm 1959, cũng là giáo viên đã nghỉ hưu. Trong những lần về quê, Nguyên vẫn đến nhà ông Tân chơi.

Ngày 15.2.2014, Nguyên có viết giấy nhận số tiền 300 triệu đồng với lý do là “để lo công việc cho em Hà Phương”- con trai của thầy cô giáo cũ. Tuy nhiên, sau đó Nguyên cho rằng hồ sơ có nhiều dấu hiệu giả mạo như: Bằng tốt nghiệp Cao đẳng nghề Kinh tế - Kỹ Thuật VINATEX (Nam Định) năm 2010 sửa từ loại “trung bình khá” lên “khá”; Bằng tốt nghiệp và bảng điểm Trường Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2011 là giả; các hợp đồng lao động do chính ông Tân khi đó đang là Hiệu trưởng ký khống cho con mình, vì thực tế không làm việc tại Trường THPT Tĩnh Gia 1, nên Nguyên chưa lo được việc cho Hà Phương.

Giấy nhận tiền của Lê Thảo Nguyên viết
Giấy nhận tiền của Lê Thảo Nguyên viết được coi là bằng chứng để buộc tội

Sau khi nhận được đơn của ông Lê Trương Ngọc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chuyển đến Ủy ban Tư pháp. Ngày 7.6.2021, Ủy ban Tư pháp đã có Công văn Số: 3010/UBTP14 gửi Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Tại Công văn này, Ủy ban Tư pháp đề nghị xem xét giải quyết khách quan, đúng quy định của pháp luật đối với vụ án, báo cáo kết quả giải quyết đến đồng chí Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Tranh tụng tại các phiên tòa, bị cáo Nguyên cho rằng sau khi không lo được việc, có thỏa thuận bằng miệng với thầy, cô chuyển số tiền sang góp vốn vào nhà hàng hải sản Tĩnh Gia của mình (địa chỉ tại 107B Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội). Sau đó, Hà Phương có lên làm việc tại đây, nhưng sau thời gian thì tự ý lấy số tiền 20 triệu đồng của nhà hàng rồi bỏ đi đâu không rõ, không liên lạc được. Sau đó, ông Tân bà Tuyết có đòi lại số tiền 300 triệu, hai bên lời qua tiếng lại, phía Nguyên nói đã trả tiền vào cuối năm 2016 rồi - nếu đưa giấy nhận tiền bản gốc ra thì chấp nhận trả lần nữa, Nguyên còn đề nghị phải trả mình tiền nhà hàng thua lỗ cùng 20 triệu tiền bị lấy đi và 9,5 triệu đồng tiền đi chuộc xe máy cho Hà Phương…, còn phía bà Tuyết nói chưa trả tiền và làm đơn tố cáo đến cơ quan công an.

Ngày 12.12.2018, Lê Thảo Nguyên bị Công an huyện Tĩnh Gia bắt tạm giam. Tại các kết luận điều tra của Công an huyện Tĩnh Gia cho rằng Nguyên có nhận 300 triệu đồng để xin cho Hà Phương vào Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông, nhưng đã không xin được việc và không trả lại tiền. Do vậy, hành vi của Nguyên đã phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau đó, ngày 27.12.2019 bị TAND huyện Tĩnh Gia mở phiên sơ thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cũng đồng quan điểm của kết luật điều tra, căn cứ theo điểm a, khoản 3, Điều 139, Bộ luật Hình sự năm 1999, tuyên phạt Lê Thảo Nguyên tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với mức án 9 năm tù giam, buộc trả lại bị hại 300 triệu đồng, nhưng bị kháng cáo.

Đông đảo người dân Tĩnh Gia đến theo dõi phiên tòa sơ thẩm
Đông đảo người dân Tĩnh Gia đến theo dõi phiên tòa sơ thẩm

Tuy nhiên, Nguyên đã kháng cáo và cho rằng trong giấy nhận tiền là “lo việc”, chứ không phải “xin việc”; không có chữ nào và bằng chứng nào khẳng định Nguyên nói hay viết sẽ xin cho Hà Phương vào Trường của mình đang làm việc, mà đó chỉ do các cơ quan tố tụng căn cứ vào lời khai của bị hại và nhân chứng nói vậy. Kể từ đó đến nay, Lê Thảo Nguyên đã trải qua nhiều phiên tòa sơ thẩm lẫn phúc thẩm, các lần tòa hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung, hoãn tòa..., vẫn chưa bản án nào có hiệu lực pháp luật.

Bị cáo Nguyên tranh tụng tại phiên sơ thẩm
Bị cáo Nguyên tranh tụng tại phiên sơ thẩm

Buộc tội cần có chứng cứ vững chắc

Đây là vụ án kéo dài, gây xôn xao dư luận vùng quê Tĩnh Gia và tỉnh Thanh Hóa, nhiều cơ quan Trung ương có văn bản đề nghị làm rõ, nhiều cơ quan báo chí vào cuộc đăng tải tin bài trong suốt gần 4 năm vừa qua. Bị cáo trong các phiên tranh tụng tại tòa đều khẳng định mình vô tội, hàng trăm người dân địa phương đã đến tòa để lắng nghe, ủng hộ cho bị cáo Lê Thảo Nguyên. Phía Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án chủ yếu căn cứ vào các lời khai của bị hại, lời khai của nhân chứng để kết tội; chưa đưa ra được những chứng cứ vững chắc để bị cáo một lần nhận tội, hoặc bị cáo phải “tâm phục, khẩu phục”.

Phiên xét xử phúc thẩm lần 3
Phiên tòa xét xử phúc thẩm lần 3

Theo Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng đây là giao dịch dân sự bị hình sự hóa, vụ án có nhiều mâu thuẫn, vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Cụ thể, trong giấy nhận tiền bị cáo Nguyên chỉ ghi là lo việc, không có mốc thời gian cụ thể phải hoàn thành, nghĩa là chưa vi phạm cam kết, không bỏ trốn mà còn liên hệ nhiều lần với bị hại để giải quyết, nghĩa là không có ý thức chiếm đoạt. Việc khởi tố, truy tố, xét xử bị cáo Lê Thảo Nguyên tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là oan sai, đề nghị trả tự do ngay tại tòa. Bên cạnh đó, đề nghị nhập vụ án để xử lý ông Tân và bà Tuyết về tội: “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” vào vụ án này; việc giả mạo đã được các trường khẳng định rõ ràng bằng văn bản, nhưng đến nay chưa được xem xét.

Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng: Giao dịch giữa ông Tân và bà Tuyết với Lê Thảo Nguyên chỉ là giao dịch dân sự. Việc giao nhận tiền để thực hiện lo công việc là quan hệ dân sự thuần túy, nên sự việc này chỉ có thể trở thành hình sự nếu như cơ quan điều tra thu thập được tài liệu, chứng cứ để chứng minh bị cáo có thủ đoạn gian dối. Tuy nhiên trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử qua nhiều lần của 2 cấp tòa án tỉnh Thanh Hóa thì đến nay không có bất cứ tài liệu, chứng cứ nào thể hiện Lê Thảo Nguyên đã gian dối với ông Tân bà Tuyết. Là người có hiểu biết, có học thức và biết rõ Nguyên, nên không có chuyện Nguyên gian dối với thầy cô và cũng là hàng xóm ở quê hương của mình. Hơn thế nữa, lời khai của hai người làm chứng cũng không đủ căn cứ để chứng minh Nguyên đã gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của ông Tân bà Tuyết. Bởi vậy, có đủ căn cứ để có thể tuyên bố bị cáo Lê Thảo Nguyên không phạm tội và phục hồi các quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo.

Còn Luật sư Nguyễn Văn Dũ - Văn phòng luật sư Chuyên Chính, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Cơ quan tố tụng căn cứ vào lời khai của bị hại và hai người làm chứng có nghe bị cáo Nguyên hứa bằng lời nói xin việc cho Hà Phương vào làm việc tại Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông tại Hà Nội), để xác định Nguyên có thủ đoạn gian dối, thì đó cũng chỉ là phía bị hại khai, không phải có bằng chứng nào thể hiện Nguyên nói như vậy. Hơn thế nữa, lời khai của nhân chứng không thống nhất, tự mâu thuẫn giữa các lần khai báo và mâu thuẫn với nhau, không bảo đảm thuộc tính khách quan của chứng cứ, có dấu hiệu cố tình khai báo gian dối để buộc tội bị cáo nên những lời khai này không được coi là chứng cứ, không được sử dụng để buộc tội bị cáo, vì vậy không đủ căn cứ chứng minh bị cáo phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bên cạnh đó, việc nhân chứng và bị hại nhiều lần vắng mặt tại tòa, khó khăn cho mong muốn được đối chất làm rõ hơn…, tổng hợp cho thấy nhiều lời khai gây bất lợi cho bị cáo lại được chấp nhận, còn những lời khai có lợi cho bị cáo thì lại không được sử dụng.

Từ thực tế vụ án và những phân tích, nhận định trên có thể thấy đây là 1 vụ việc không lớn, nhưng bị cáo đã bị tạm giam gần 4 năm qua, nhiều phiên tòa 2 cấp đã xét xử, nhưng vẫn chưa có được bản án có hiệu lực pháp luật. Do vậy, phiên tòa phúc thẩm lần 3 đã diễn ra trong những ngày qua, nhưng do tính chất phức tạp nên Hội đồng xét xử sẽ tuyên án vào ngày 25.4 sắp tới; mong chờ lần này sẽ đưa ra một bản án công tâm, khách quan, đúng pháp luật; các chứng cứ buộc tội phải vững chắc, tránh oan sai cho người vô tội tại; để không còn những đơn kêu oan gửi khắp tới các cơ quan Trung ương và địa phương nữa.                                              

Báo ĐBND sẽ tiếp tục cập nhật về vụ án

Từ Thức