Liên quan đến Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, nhiều người phản đối, tranh cãi trái chiều. Nhưng tôi nhìn nó theo hướng tích cực, đó là chỉ khi quan tâm, yêu di sản, chúng ta mới lên tiếng bảo vệ. Tuy nhiên, cách mỗi người bảo vệ, tôn vinh khác nhau vì quan điểm khác nhau. Thông qua tranh luận, dần dần mọi người sẽ nhận thức đúng, đầy đủ, hình thành quan điểm vững chắc về bảo vệ và phát huy giá trị di sản, từ đó thống nhất nhận thức, hành động, bảo vệ phát huy di sản tốt hơn. Trong quá trình đó, câu hỏi quan trọng phải trả lời thấu đáo là: Di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt cho ai? Chúng ta mong muốn phát huy giá trị di sản để làm gì?
Khi bàn về quản lý di sản có hai quan điểm quan trọng, và hai quan điểm này đều đúng, vấn đề là vận dụng như thế nào. Thứ nhất là bảo tồn nguyên vẹn trong bối cảnh không gian và tính lịch sử của nó. Thứ hai là bảo tồn di sản có sự kế thừa, phát huy, di sản có đóng góp, chức năng trong điều kiện xã hội cụ thể. Cái cần quan tâm nhất là đánh giá của cộng đồng thực hành tín ngưỡng với thay đổi này. Nếu họ cho những thay đổi đó là tốt, làm giàu có hơn giá trị của di sản thì điều đó là đúng, còn ngược lại, điều đó là sai. Tôn trọng ý kiến của cộng đồng là như vậy.
Chúng ta thống nhất cộng đồng thực hành, cộng đồng sở hữu di sản có vai trò quan trọng nhất trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Tuy nhiên, cộng đồng chủ thể chỉ có thể phát huy tốt vai trò của mình trên cơ sở hiểu rõ giá trị di sản, có hiểu biết đầy đủ, chia sẻ thông tin lẫn nhau, có sự đoàn kết, thống nhất để phát huy giá trị di sản của mình.
Thực tế, di sản văn hóa vô cùng quan trọng nhưng mong manh và nhạy cảm trước sự thay đổi của thời cuộc. Tôi có khuyến nghị với các địa phương khi tổ chức sự kiện, lễ hội, liên hoan liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu - di sản hết sức nhạy cảm, cần có sự tham vấn với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thông qua Cục Di sản văn hóa (dù đã có sự phân cấp, phân quyền cho các địa phương), bởi đây không phải là sinh hoạt văn hóa làm ở đâu cũng được, làm gì cũng được.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa, khi có những vấn đề xảy ra, cần trao đổi với các bên có liên quan để có thông tin cụ thể, chính xác, từ đó ban hành văn bản quản lý. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cần có quy định cụ thể hơn nhằm hướng dẫn cộng đồng Thực hành di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Tôi mong sắp tới, Bộ sẽ ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở hình thức nghị định, thông tư trong khi chờ sửa đổi Luật Di sản văn hóa để quản lý tốt hơn, không chỉ bảo tồn mà còn phát huy giá trị di sản văn hóa chung của đất nước.