Đồng bộ giải pháp bảo tồn, phát huy nét đẹp tín ngưỡng thờ Mẫu

Ồ ạt “sân khấu hóa” nghi lễ hầu đồng

- Thứ Ba, 19/09/2023, 08:24 - Chia sẻ

Sau khi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hoạt động tuyên truyền, quảng bá về di sản diễn ra mạnh mẽ, việc “sân khấu hóa” nghi lễ hầu đồng đang diễn ra khá ồ ạt và khó kiểm soát…

Trăm hoa đua nở

Mới đây, trong khuôn khổ hội thảo khoa học của một trường đại học ở Thừa Thiên Huế, tiết mục biểu diễn trích đoạn và giới thiệu trang phục hầu đồng được một số nghệ nhân thực hiện để minh họa, diễn giải thêm cho chủ đề liên quan đến di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Thực tế, việc tái hiện, trình diễn hầu đồng đã diễn ra phổ biến tại nhiều nơi trong và ngoài nước thời gian qua, song sự việc tại hội thảo trên đã thổi bùng tranh cãi trong dư luận rằng biểu diễn như vậy là nỗ lực quảng bá, diễn giải di sản hay đang vi phạm nguyên tắc về sự tôn trọng, bảo vệ tính thiêng của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ? Cộng đồng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đã gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan quản lý về việc tín ngưỡng này bị mang đi biểu diễn tràn lan.

Biểu diễn trích đoạn và giới thiệu trang phục hầu đồng tại Thừa Thiên Huế gây tranh cãi -Ảnh: BTC
Biểu diễn trích đoạn và giới thiệu trang phục hầu đồng tại Thừa Thiên Huế gây tranh cãi. Ảnh: BTC

Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng Nam Định, Hội Bảo vệ và Phát huy Di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tỉnh Nam Định, nhận định: sau khi di sản được UNESCO ghi danh, nhiều cơ quan, đơn vị đã phối hợp với các tổ chức cộng đồng, chủ thể của di sản tổ chức tọa đàm, hội thảo khoa học và “diễn xướng hầu đồng”. Không thể phủ nhận các hoạt động đó đã huy động nguồn lực từ xã hội hóa, góp phần quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Tuy nhiên, cũng có cơ quan, đơn vị không có chức năng quản lý, nghiên cứu về di sản này cũng tổ chức các hoạt động trên theo kiểu “trăm hoa đua nở”.

Do không hiểu đầy đủ về giá trị và bản chất của di sản nên hiệu quả tuyên truyền, giáo dục về di sản không cao. Có đơn vị còn đứng ra tổ chức liên hoan hầu đồng, thi trình diễn trang phục hầu đồng do các thanh đồng thực hiện hoặc tặng bằng vinh danh, bảng vàng… cho tổ chức, cá nhân tham dự hầu đồng, không đúng thẩm quyền và quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng.

Việc tiến hành nghi lễ hầu đồng bên ngoài các không gian thiêng ngày càng phổ biến, tạo thành hình thức được gọi là “hầu đồng sân khấu hóa” hay “hầu đồng văn nghệ”, tôn vinh thanh đồng hơn là tôn vinh di sản. Đáng trách là có người coi hầu đồng như một hoạt động văn hóa, văn nghệ, có trường hợp diễn xướng mô phỏng hầu đồng trong cả đám cưới…

Quảng bá di sản khác với trình diễn giải trí

Trước sự việc vừa qua, nhiều ý kiến ủng hộ việc di sản này cần được thực hành trong không gian tín ngưỡng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cơ hội được tham dự các buổi hầu đồng trong không gian thiêng (đền, phủ), bởi vậy, trong một số  trường hợp nhất định có thể đưa hầu đồng lên sân khấu do chính các nghệ nhân thanh đồng thực hiện, nhằm diễn giải về di sản với sự trang nghiêm, trân trọng, tôn vinh vẻ đẹp di sản, giúp giới thiệu Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đến với đông đảo công chúng. Điều này khác với trình diễn hầu đồng vì mục đích giải trí, kinh doanh hay trục lợi.

Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Thị Kim Loan, Viện Phát triển Văn hóa dân tộc cho rằng, thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt không chỉ là di sản văn hóa của Việt Nam mà còn là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trước kia, khi giới thiệu di sản này tại Festival Văn hóa dân tộc của Pháp, bà đã trình diễn hầu đồng trên sân khấu (dù theo quy định không được thắp hương) để thế giới biết tới nét văn hóa của Việt Nam và buổi diễn rất thành công. Bởi vậy, NNƯT. Nguyễn Thị Kim Loan kiến nghị nên chấp nhận mở rộng không gian trình diễn để giới thiệu, quảng bá di sản tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, ý kiến trên không nhận được sự đồng tình của nhiều thanh đồng. NNƯT. Trần Thị Huệ, thủ nhang Phủ Tiên Hương (Phủ Dầy, Nam Định) bức xúc: “Không thể đánh đồng nghệ thuật sân khấu với tín ngưỡng tâm linh, không thể đưa tín ngưỡng thờ Mẫu lên sân khấu. Chúng tôi phải hầu Thánh ở không gian thiêng”. NNƯT Trần Thị Huệ kể, năm 2013, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam mời bà vào Hội An để trình diễn giới thiệu trong hội thảo Kỷ niệm 10 năm Công ước 2003 của UNESCO, bà Huệ nhận lời với điều kiện hầu đồng phải diễn ra trong không gian thiêng. Ban tổ chức đã tìm bản điện để bà hầu ở đó. Sau đó, bà Huệ được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mời giao lưu giới thiệu văn hóa tại Hàn Quốc, bà cũng mang theo ba pho tượng, rước chân nhang từ Phủ Dầy để hầu Thánh tại một ngôi đền ở quốc gia này…

Theo NNƯT. Trần Thị Huệ, đưa hầu đồng lên sân khấu, ra nơi công cộng, thậm chí vào nơi người người đang ăn uống là xúc phạm các vị Thánh. “Ông cha ta đã để lại di sản, chúng ta nên giữ truyền thống tốt đẹp. Hầu đồng phải quay lên ban thờ, không phải quay xuống phục vụ khán giả. Đây là nguyên tắc lễ Thánh, thể hiện sự tôn kính với các anh hùng có công với dân, với nước”.

Đồng tình với ý kiến trên, NNƯT. Nguyễn Tất Kim Hùng, đền Nguyên Khiết Linh Từ, 102 Hàng Bạc, Hà Nội, góp ý: “Cần ngăn chặn và chấn chỉnh những hoạt động làm sai lệch và cố tình phổ biến sai lệch di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Đây là di sản tâm linh chứ không phải di sản nghệ thuật trình diễn. Tín ngưỡng của chúng tôi khi thực hành phải là sập hầu, trong không gian điện phủ, có ban thờ Thánh Mẫu, chỉ được phép quay lên vái Thánh thần chứ không được quay xuống vái khán giả. Đưa Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu lên sân khấu là cung cấp thông tin sai và cái nhìn sai về di sản, về tín ngưỡng truyền thống của người Việt… Ai muốn tiếp cận, muốn nghiên cứu, muốn xem thì hãy đến tham dự các buổi nghi lễ của chúng tôi, chúng tôi luôn chào đón và sẵn sàng giới thiệu, cung cấp thêm thông tin và hiểu biết cho các quý vị về di sản chúng tôi nắm giữ”.

Thảo Nguyên